9h45 ngày 8/6, một tòa nhà văn phòng trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị cắt điện đột ngột, một trong các thang máy khựng lại ở tầng 22. Lúc này, Thanh Hoa (25 tuổi) là người duy nhất bị mắc kẹt bên trong.
"Tôi vô cùng hoảng loạn. Đây là lần đầu tiên tôi gặp sự cố như thế", cô gái trẻ nhớ lại.
30 phút sau, tòa nhà thông báo cấp điện nhưng thang máy chưa hoạt động. Hoa ấn nút khẩn cấp trên thang máy và gọi theo số đường dây nóng để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Một lúc sau, nhân viên kỹ thuật trấn an cô, hỗ trợ thang di chuyển chậm xuống tầng một để Hoa ra ngoài an toàn.
Nữ nhân viên văn phòng cho biết tòa nhà đã chạy máy phát điện, nhưng thang máy các tầng chỉ hoạt động một chiều từ dưới lên. Hai tiếng sau, khu vực mất điện đột ngột một lần nữa, đúng thời điểm nghỉ trưa, dân công sở sử dụng thang máy đông và liên tục.
"Khi tôi đứng chờ thang máy ở tầng một thì thấy nhân viên kỹ thuật hỗ trợ nhiều người mắc kẹt từ bên trong. Một số người nói thang bị dừng ở tầng 17 rồi trôi xuống tầng một", Hoa nói.
Lãnh đạo UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) xác nhận một trong các sự cố thang máy xảy ra tại tầng 17 do mất điện đột ngột, tòa nhà không được báo trước. Bộ phận kỹ thuật của Ban quản lý tòa nhà đã xử lý kịp thời, giải cứu an toàn những người mắc kẹt.
"Sự việc không có thiệt hại về người. Tòa nhà đã chạy máy phát điện, người dân đi lại, sinh hoạt bình thường", lãnh đạo phường Mễ Trì cho hay.
Cùng thời điểm, một thang máy khác trong tòa nhà cũng gặp sự cố. Nguyễn Linh (26 tuổi) nói trong lúc cùng đồng nghiệp di chuyển từ tầng 31 xuống tầng một học thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thì thang máy dừng lại ở tầng 24.
Điện vụt tắt, quạt thông gió và điều hòa không hoạt động. Bên trong thang chật kín người, một đồng chí công an đã giúp những người xung quanh giữ bình tĩnh, không hoảng loạn.
"Sau 10 phút, tôi cảm thấy ngột ngạt và khó thở", Linh nhớ lại khoảnh khắc mắc kẹt bên trong thang máy "tưởng như chỉ có trong phim".
Một người đứng gần bảng thông báo của thang máy đã ấn nút gọi bộ phận kỹ thuật. Trong lúc đợi hỗ trợ, một nam thanh niên khác đã tìm cách cậy cửa thang. Sau hai lần đẩy nhẹ, cửa dần hé mở, anh phát hiện thang dừng đúng lối ra của tầng 24.
"Người này dùng lực đẩy mạnh, cửa mở bung, mọi người lần lượt ra ngoài an toàn", Linh nói. Sau sự cố, nhóm người lần lượt đi bộ xuống tầng một.
12h cùng ngày, Trúc Quỳnh (20 tuổi) nhận thấy một vài thang máy đã hoạt động bình thường, cô yên tâm xuống tầng một ăn trưa an toàn. Lúc này, tình hình điện tại tòa nhà vẫn chập chờn, lúc có - lúc không.
Đến 14h, công ty thông báo cho nhân viên làm việc tại nhà do sự cố mất điện, Quỳnh sửa soạn đồ đạc chuẩn bị ra về. Khi bước vào thang máy, chiếc thang di chuyển chậm dần rồi khựng lại ở tầng cao, khoảng tầng từ 10 - 20. Cô gái trẻ im lặng, trong khi những người xung quanh hét lớn vì hoảng loạn và sợ hãi.
"Tôi bình tĩnh vì trước đó một vài thang máy trong tòa nhà cũng gặp sự cố, mọi người đều được cứu hộ an toàn", cô nói.
Sau khi gọi bộ phận kỹ thuật, chiếc thang được thả trôi nhẹ xuống tầng một, đã có người đợi sẵn hỗ trợ những người bên trong ra ngoài. "Đây là trải nghiệm mà có lẽ tôi không bao giờ quên", nữ nhân viên văn phòng tâm sự.
Như vậy, trong một ngày, một số thang máy của tòa nhà bị dừng đột ngột 4 lần do sự cố điện. Không riêng Hà Nội, một số tỉnh thành miền Bắc và miền Trung cũng cắt điện diện rộng để giảm tải, ảnh hưởng hoạt động thang máy.
Trong hai ngày 3 và 4/6, ba vụ việc người dân mắc kẹt trong thang máy do sự cố điện đã xảy ra tại tỉnh Nghệ An.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã huy động lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng giải cứu các nạn nhân.
Ngành điện lực sau đó đã gửi văn bản tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đề nghị phối hợp tiết kiệm điện, trong đó khuyến cáo hạn chế sử dụng thang máy từ tầng 4 trở xuống.
Làm gì nếu bị kẹt thang máy lúc mất điện?
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam khuyến cáo người dân không tự ý cạy cửa để thoát ra ngoài khi thang máy gặp sự cố. Hành động này khiến kết cấu cửa bị bung ra khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn.
"Khi lực lượng dùng các biện pháp kỹ thuật để cứu hộ thì không thể đưa cabin về bằng tầng do cửa thang máy đã bị tác động, xô đẩy hoặc lệch so với hiện trạng ban đầu", ông Đức nhấn mạnh.
Theo dõi các sự cố thang máy do cắt điện đột ngột thời gian qua, ông Nguyễn Hải Đức cho biết, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định các thang máy phải được trang bị bộ cứu hộ tự động ARD (Automatic Rescue Device) hoặc ERD (Elevator Rescue Device), đồng thời cung cấp điện dự trữ cho hệ thống thang máy khi mất điện nhờ nguồn dự trữ.
Nguyên lý hoạt động của bộ cứu hộ tự động là khi mất điện, hệ thống ắc-quy dự trữ sẽ chuyển nguồn để đưa cabin thang máy về tầng gần nhất, mở cửa cho người dân thoát ra ngoài.
Khi tòa nhà bị cắt điện đột ngột, bộ cứu hộ tự động sẽ có đèn và quạt thông gió, đảm bảo hoạt động từ 30 phút đến 1 tiếng bên trong thang máy.
"Những thang máy bị mắc kẹt do không có bộ cứu hộ tự động hoặc có nhưng không hoạt động. Trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng, bộ cứu hộ này không được kiểm tra, không được thử nghiệm giả định tình huống nên hỏng hóc không ai biết", Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam nhận định.
Theo ông Nguyễn Hải Đức, với những tòa nhà có lực lượng cứu hộ được đào tạo bài bản, đúng quy trình thì họ sẽ xử lý nhanh, đưa người mắc kẹt ra ngoài nhanh chóng trong bất kỳ sự cố nào.
Về nguyên tắc cứu hộ, bộ phận kỹ thuật sẽ đưa cabin thang máy về vùng an toàn, thấp hoặc cao hơn sàn tầng khoảng 20cm. Nếu sàn nhà quá cao, gây hở hố thang, sẽ tiềm ẩn nguy hiểm người bị rơi, ngã xuống hố.
Ông khuyến cáo người dân nếu không may mắc kẹt trong thang máy, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là phải giữ bình tĩnh, không la hét, không gào khóc, không hoạt động mạnh. Lượng oxy trong thang máy kín rất ít, không gian chật hẹp, nên càng hoảng loạn càng tiêu tốn oxy, dễ ngất xỉu và gặp nguy hiểm.
"Để gọi cứu hộ, người dân ấn các nút khẩn cấp trên thang máy để liên hệ bộ phận trực, sau đó bình tĩnh chờ người tới giải cứu", Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam nói.
Sau sự cố mất điện, công ty của Thanh Hoa và Nguyễn Linh đều cho phép nhân viên làm việc tại nhà, đồng thời khuyến cáo tạm thời sử dụng thang bộ.
Dù biết cắt điện là tình thế cấp bách trong bối cảnh hiện nay, Nguyễn Linh hy vọng công ty điện lực sẽ thông báo trước 1 - 2 tiếng. "Như vậy, chúng tôi có thể chủ động sắp xếp công việc, tránh gặp tình huống nguy hiểm như kẹt thang máy do làm việc ở tầng cao", Linh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.