Trong toilet ở tầng 4 của trung tâm thương mại Terminal 21, thành phố Nakhon Ratchasima, chiều 8/2, nhiều người đóng chặt cửa, nín thở chờ đợi, trong khi Jakrapanth Thomma, một thượng sĩ quân đội, mang theo khẩu súng trường và khoảng 800 viên đạn, đang lùng sục dọc hành lang sau khi gây ra vụ xả súng kinh hoàng.
Tất cả tắt chuông điện thoại, cố không gây ra tiếng động để tránh bị phát hiện. Họ theo dõi chuyển động của Jakrapanth qua những hình ảnh từ camera giám sát được bạn bè bên ngoài gửi cho.
Chanathip Somsakul, một giáo viên âm nhạc 33 tuổi, cùng vợ và con gái Chopin, 3 tuổi, cũng nấp trong toilet nữ. Trong khi bố mẹ tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè và người thân, Chopin cẩn trọng ngồi một góc quan sát. Chanathip vừa kết thúc một buổi dạy nhạc và như hàng trăm người khác, anh đang đi ăn cùng gia đình ở trung tâm thương mại thì vụ nổ súng xảy ra.
"Một người bạn làm việc ở trung tâm thương mại này đang trao đổi với một người trong phòng theo dõi camera an ninh. Anh ấy đã cập nhật vị trí của tay súng cho chúng tôi", Chanathip kể.
Cảnh sát đặc nhiệm vào vị trí sẵn sàng khi nỗ lực khống chế tay súng trong Terminal 21 hôm 8/2. Ảnh: AFP
Những thông tin được chia sẻ này có thể đã cứu mạng Chanathip, gia đình anh và 20-30 người khác mắc kẹt trong Terminal 21. Tuy nhiên, cũng vì nhận được quá nhiều thông tin hỗn loạn, những người đang ẩn nấp trong tủ, nhà kho và toilet khắp trung tâm thương mại càng hoảng sợ.
"Mọi người hoảng hốt và hoang mang. Có quá nhiều thông tin lan truyền và mọi người không biết chắc phải tin cái nào", Chanathip nói.
Suốt nhiều giờ, Jakrapanth mặc quân phục, đội mũ sắt, xách khẩu súng trường sục sạo khắp trung tâm thương mại rộng lớn và nã đạn liên tục. Những tiếng súng vang lên khắp trung tâm thương mại, khiến cửa kính tòa nhà lỗ chỗ vết đạn. Trước đó, y đã bắn chết nhiều người khi trên đường tới Terminal 21, nơi có rất đông người đang đi mua sắm và vui chơi vào ngày cuối tuần.
Nỗi sợ bao trùm nơi ẩn náu của Chanathip khi có ai đó đập cửa nhà vệ sinh. "Tôi nghĩ đó có thể là tay súng. Một phụ nữ hỏi 'ai đấy?' nhưng không có ai trả lời. Bà muốn mở cửa nhưng tất cả chúng tôi đã thuyết phục bà không làm thế".
Đến 21h, sau khoảng 5 giờ mắc kẹt trong toilet, họ nhận được thông báo từ cảnh sát rằng có thể di chuyển ra ngoài một cách trật tự cùng hàng chục người khác. Tuy nhiên, khi họ vừa ra đến bãi đỗ xe, những tiếng súng lại vang lên khiến họ hoảng hốt tháo chạy.
Bên trong, hàng chục người vẫn còn mắc kẹt, ẩn náu trong toilet của phòng tập gym, dưới những chiếc bàn trong nhà hàng và trong kho lạnh, chờ đợi thông tin về tay súng.
Trong phòng kho của một cửa hàng thời trang, Aldrin Baliquing, giáo viên người Philippines, ngồi thiền để lấy lại bình tĩnh. "Tôi rất sợ vì cửa hàng nơi chúng tôi mắc kẹt nằm ngay phía trên tầng mà tay súng đang giữ con tin", anh nói, nhắc đến những thông tin cho rằng Jakrapanth đã dùng một số người làm lá chắn để đe dọa cảnh sát.
Hơn 5 giờ sau khi Jakrapanth xông vào bên trong Terminal 21, lực lượng an ninh xác nhận họ đã kiểm soát được tầng trệt và nhiều tầng khác cao hơn. Ở bên ngoài, các tài xế xe ôm tình nguyện đưa những người được sơ tán rời khỏi khu vực này. Tại các bệnh viện, mọi người đổ tới đề nghị hiến máu cho các nạn nhân.
Gần 17 giờ sau, cảnh sát thông báo Jakrapanth đã bị tiêu diệt. Nhóm dân thường cuối cùng được giải cứu khỏi Terminal 21 lúc gần 9h sáng qua. 29 người đã thiệt mạng, bao gồm dân thường và lực lượng an ninh, trong đó nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một cậu bé 13 tuổi.
Các nạn nhân ôm nhau sau khi được cảnh sát giải cứu khỏi Terminal 21 hôm 8/2. Ảnh: AFP
Phát biểu bên ngoài một bệnh viện chiều qua, Thủ tướng Prayut Chan-ocha cho hay đây là sự việc "chưa từng có tiền lệ" tại Thái Lan. "Tôi muốn đây là lần cuối cùng cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra", ông nói và cho hay Jakrapanth gây ra vụ xả súng do mâu thuẫn liên quan đến việc bán nhà.
Khi cảnh sát bắt đầu dọn dẹp những chiếc xe lỗ chỗ vết đạn và các vệt máu đã khô trên đường, những người sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc xảy ra đêm trước tại Terminal 21.
"Mọi thứ diễn ra quá nhanh", Lapasrada Khumpeepong, 13 tuổi, nói sau khi dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng. Cô bé và mẹ mắc kẹt trong phòng vệ sinh ở tầng trệt suốt 5 giờ, sau khi tiếng súng vang lên.
"Cảm ơn những người đã hy sinh thân mình để những người khác được sống", Khumpeepong nói. "Nếu không có các anh, chúng tôi sẽ không có mặt ở đây hôm nay".
Anh Ngọc (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.