5 trường hợp đi khám nghĩa vụ trễ, sai địa điểm nhưng không bị phạt

Theo PLO Thứ bảy, ngày 04/02/2023 14:31 PM (GMT+7)
Khám nghĩa vụ quân sự trễ hẹn vì bị ốm đau phải nhập viện được xác định là một trong những lý do chính đáng để không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bình luận 0

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 07/2023 hướng dẫn một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Theo Nghị định 37/2022, người nào không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng. Trường hợp cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt 12-15 triệu đồng.

Nay, Thông tư 07 hướng dẫn các trường hợp được xác định là "có lý do chính đáng" để không bị xử phạt theo quy định trên bao gồm:

(i) Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5 trường hợp đi khám nghĩa vụ trễ, sai địa điểm nhưng không bị phạt - Ảnh 1.

Thông tư 07 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn các trường hợp vi phạm về khám nghĩa vụ quân sự nhưng có lý do chính đáng. Ảnh: PLO

(ii) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự (Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp) bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(iii) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.

(iv) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

(v) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở.

Đáng chú ý, để không bị xử phạt, nếu lý do chính đáng thuộc trường hợp (i), (ii) thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã điều trị hoặc trạm y tế cấp xã nơi cư trú. Nếu thuộc trường hợp (iii), (iv) phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; trường hợp (v) thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo Thông tư 07, hành vi "gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình" (phạt 15-20 triệu đồng) được xác định là thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, sử dụng các biện pháp cố tình làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân ngay trước hoặc trong quá trình khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự và đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận đó là hành vi gian dối, như: Sử dụng các loại thuốc, chất kích thích, chất cấm; tự gây thương tích, tổn hại sức khỏe của bản thân, hoặc biện pháp khác làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân.

Thứ hai, sửa chữa kết quả phân loại sức khỏe của bản thân trong thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thứ ba, nhờ người khác kiểm tra hoặc khám sức khỏe thay.

Thông tư 07/2023 của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 14-3-2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem