50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển: Chuyến tàu nhớ Bác

Thứ tư, ngày 12/10/2011 06:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong cuộc đời làm người lính trên tàu không số, ông Phạm Quốc Hồng (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã thực hiện 10 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam.
Bình luận 0

Mỗi chuyến đi là những kỷ niệm hào hùng, nhưng đáng nhớ nhất là chuyến đi mà ông và đồng đội đã làm lễ truy điệu Bác Hồ trên tàu...

Trong căn nhà nhỏ của mình nằm bên dòng sông Loan, người lính già trên đoàn tàu không số năm xưa tiếp chúng tôi bằng những kỷ niệm và kỷ vật mà ông đã tham gia trong những năm tháng ác liệt nhất.

img
Cựu chiến binh tàu không số Phạm Quốc Hồng với những kỷ vật một thời trận mạc.

Chuyến hải trình ngày Bác mất

Cuối tháng 8 đầu tháng 9.1969, tình hình vận chuyển trên biển hết sức khó khăn, so sánh lực lượng trên biển giữa ta và địch chênh lệch quá nhiều. Quân địch trang bị các loại phương tiện và vũ khí hiện đại, tăng cường tuần tra kiểm soát nên những chuyến đi của tàu không số vào Nam đều rất khó để cập bến.

Trong tình hình đó, tàu 154 (lúc đó ông Phạm Quốc Hồng làm máy trưởng) vẫn được lệnh lên đường. Đây là chuyến đi mà tất cả mọi người đều xác định sự nguy hiểm và không thể nói trước kết quả. Nhưng ai nấy đều khẳng định vì miền Nam, vì ngày thống nhất đất nước nên dù hy sinh cũng không tiếc thân mình.

Ông Hồng kể lại: Chuyến đi đó, khi qua vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi gặp ngay 4 tàu địch, trong đó có cả tàu khu trục. Chúng bám riết tàu 154. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hấn, Chính trị viên Lê Văn Viễn đã đến từng vị trí để nhắc nhở anh em bình tĩnh, giữ vững hướng đi vì địch không dám "giở trò" trên hải phận quốc tế. Chấp hành mệnh lệnh, tàu 154 vẫn giữ đúng tốc độ.

Cuộc chạy đua giữa tàu 154 và 4 tàu địch càng lúc càng căng thẳng, có lúc chúng ép tàu 154 vào bờ nhưng các thuỷ thủ vẫn giữ đúng hướng. Đêm đến, chúng cho máy bay thả pháo sáng và rượt đuổi, bám riết tàu 154. Nhiều lúc, các thuỷ thủ đã nghĩ đến kết quả xấu là hy sinh nhưng dù thế nào cũng phải chiến đấu kiên cường đến phút cuối cùng.

Nhưng sự việc không như địch dự liệu, một cơn mưa dông ập đến, sóng to gió lớn kéo tàu 154 theo con sóng ra xa 4 tàu địch, và nó thẳng tiến vào miền Nam. Tàu vào đến Cà Mau, mọi người khẩn trương bốc dỡ hàng hóa và trở ra. Anh em hết sức vui mừng vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng cùng lúc đó, đồng chí Võ Hán - Tiểu đoàn trưởng lên tàu báo tin dữ: Bác Hồ đã mất! Cả tàu lặng đi. Tiểu đoàn trưởng phát khăn tang cho tất cả anh em trên tàu. Mọi người xúc động cầm băng tang cài vào ngực, tấm băng đen với dòng chữ "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Bàn thờ Bác nhanh chóng được anh em lập ngay giữa boong tàu. Ngắm nhìn ảnh Bác, lắng nghe lời di chúc của Bác được đồng chí Lê Văn Viễn đọc trong dòng nước mắt, cả tàu ai cũng khóc, nghẹn ngào... “Lúc đó dù không ai nói ra nhưng trong mỗi chiến sĩ trên tàu ai cũng tự hứa với Người: Bác ơi, miền Nam luôn ở trong tim Bác. Chúng con hứa quyết tâm đưa thật nhiều vũ khí vào miền Nam để giải phóng quê hương, để thỏa lòng mong ước của Bác..." - ông Hồng kể.

Báu vật của người lính già

Sau ngày chiến thắng, Phạm Quốc Hồng được cử đi học ở Liên Xô, rồi làm thuyền trưởng tàu 651 đi cắm mốc các đảo ở Trường Sa. Sau hơn 20 năm làm thuyền trưởng, ông về hưu với quân hàm đại úy.

Ông Hồng tâm sự với phóng viên NTNN: "Với mỗi một người lính trên đoàn tàu không số, khi nhận lệnh và lên đường làm nhiệm vụ, chúng tôi đều đã xác định: Thứ nhất, phải cố gắng bằng mọi giá đem được vũ khí vào chiến trường miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến. Thứ hai, nếu khi địch phát hiện thì phải hủy vũ khí, hủy tàu và có khi chấp nhận hy sinh để số vũ khí không lọt vào tay địch. Như thế là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Trở lại quê hương, với tinh thần người lính biển trên đoàn tàu không số năm xưa, ông Hồng đã tham gia tích cực mọi công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở địa phương như Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Hiện nay, ông làm Trưởng ban Liên lạc đoàn tàu không số từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Bình.

Một điều đặc biệt, gần 50 năm qua, ông Hồng vẫn giữ gìn và luôn mang bên mình chiếc băng tang tưởng nhớ Bác Hồ như một báu vật.

"Chiếc băng tang nhỏ bé chứa đựng tình cảm sâu sắc của người lính tàu không số với Bác Hồ, như là ý chí, niềm tin của người lính đối với Người. Mỗi khi vào trận, có băng tang bên mình, chúng tôi như thấy Bác ở bên cạnh và tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua hiểm nguy, gian khó hoàn thành nhiệm vụ" - ông Hồng tâm sự.

Mới đây, với suy nghĩ, để thế hệ hôm nay và mai sau thấy được tấm lòng người lính nói chung và những chiến sĩ tàu không số nói riêng về tấm lòng kính yêu Bác Hồ, ông Hồng đã quyết định trao tặng kỷ vật mà ông coi như báu vật cho Bảo tàng Hải quân.

----------------

Bài 2: “Đoàn tàu không số” của Quảng Bình

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem