50 năm Hiệp định Paris: Những người bạn nước ngoài hiến máu, bị bỏ tù vì ủng hộ Việt Nam
50 năm Hiệp định Paris: Những người bạn nước ngoài hiến máu, bị bỏ tù vì ủng hộ Việt Nam
Mỹ Hằng thực hiện
Thứ tư, ngày 18/01/2023 19:32 PM (GMT+7)
Trong phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến của Mỹ trong thập kỷ 1960, những người bạn quốc tế đã bất chấp hiểm nguy với mình để hết lòng đấu tranh vì Việt Nam. Tình cảm đó còn nguyên vẹn tới bây giờ.
Nguyên chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Italia Renato Darsie có những đóng góp tích cực cho phong trào công nhân và xã hội tại Châu Âu những năm 1960, là một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và Hiệp định Paris nói riêng, tham gia tích cực Phong trào đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam và nhiều lần bị Chính quyền thành phố buộc tội và đưa ra Tòa.
Năm 1975, ông đã tổ chức quyên góp để mua phân bón, hóa chất ủng hộ một số địa phương tại Việt Nam. Năm 1993, ông được bầu vào Hội đồng thành phố Venezia ba khóa liên tiếp. Từ năm 1995 đến năm 2010, ông được bầu là Chủ tịch Chi hội hữu nghị Italia – Việt Nam vùng Veneto và là Lãnh sự danh sự của Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Venezia. Từ năm 2005, ông nhận tài trợ cho 15 con nuôi của tỉnh Thái Bình. Ông kể:
"Trong thời gian Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi đã có nhiều hoạt động quyên góp tiền, trang thiết bị ủng hộ cho Việt Nam. Các hoạt động thường diễn ra trên một quảng trường lớn ở Venezia.
Venezia có nhiều tàu lớn cập cảng, nên chúng tôi chọn nơi này để tổ chức biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi tổ chức chèo những chiếc thuyền nhỏ trên cắm cờ Việt Nam. Khi tàu lớn thấy thuyền nhỏ cắt ngang luồng chạy, nhưng trên thuyền có những thông điệp ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thay vì phẫn nộ vì hành động của chúng tôi thì họ quay ra chia sẻ.
Chúng tôi muốn thay đổi thế giới, Việt Nam cũng muốn thay đổi thế giới chống lại chủ nghĩa thực dân. Vào giai đoạn đó, Việt Nam chính là yếu tố quan trọng, mang tính cách mạng để thay đổi thế giới, đi tới một thế giới khác biệt, một thế giới hòa bình.
Chúng tôi đồng lòng cùng kết nối các lực lượng ở Châu Âu và Ý để tạo ra những thông điệp mạnh mẽ đoàn kết với Việt Nam. Hiệp hội Venezia ủng hộ Việt Nam ra đời năm 1964. Trong giai đoạn đó, tại đây công nhân cảng biển được chia sẻ thông tin và thể hiện sự ủng hộ Việt Nam rất mạnh mẽ. Chúng tôi ngăn chặn các con tàu lớn của Mỹ cập cảng ở Vezezia bốc dỡ hàng hóa. Chúng tôi quyên góp nhu yếu phẩm giúp đỡ Việt Nam và một con tàu chở nhu yếu phẩm đã cập cảng Hải Phòng năm1973.
Chúng tôi có nhiều hoạt động, đặc biệt của cánh tả. Điều đặc biệt ở đây là khả năng quy tụ các nguồn lực, từ đó triển khai các sáng kiến quyên góp, thậm chí hiến máu dành cho nhân dân Việt Nam. Người dân không chỉ ở Venezia mà cả nước Italia đều cảm nhận về phong trào lan tỏa.
Năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết, nghe thông tin này, chúng tôi tụ tập ngay trong đêm trên Quảng trường chúc mừng cho thành công của Hiệp định.
Kể từ đó quan hệ Việt Nam – Italia ngày càng phát triển. Năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, là cột mốc quan trọng đánh giá tình hữu nghị và quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
Ông Rabin Deb - Tổ chức đoàn kết nhân dân toàn Ấn Độ, Đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ, người đã tham gia nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam và các nước thế giới thứ ba:
"Tôi đã tới Việt Nam để tham gia lễ kỷ niệm 40 năm hiệp định Paris và bây giờ 10 năm sau quay lại, Việt Nam có nhiều thay đổi. Tôi vui mừng chứng kiến chặng đường dài mà Việt Nam đã đi qua. Từ những năm 1960 đến nay tình cảm và sự đoàn kết với Việt Nam không thay đổi. Những năm 1960 ở Ấn Độ có khẩu hiệu Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam – tinh thần đó lan tỏa ở Ấn Độ và toàn thế giới. Đó là những ký ức không thể lãng quên.
Chúng tôi luôn nhớ những cột mốc của Việt Nam: Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973 - nền tảng tạo dựng hòa bình thống nhất đất nước. Những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán năm 1945 đã thành hiện thực: Việt Nam giành được hòa bình, chiến thắng và phát triển.
Tinh thần Việt Nam đã lan tỏa mạnh mẽ sang các quốc gia khác, đặc biệt Ấn Độ và các nước Đông Dương. Chúng tôi có nhiều hoạt động đa dạng thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam. Trong quan hệ song phương có nhiều cột mốc đáng nhớ, chẳng hạn chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ hay lãnh đạo Ấn Độ thăm Việt. Tình thân thiết giữa người dân 2 nước như ruột thịt.
Từ giữa những năm 1960 các hoạt động phản đối chủ nghĩa thực dân đế quốc đã lan rộng ở Ấn Độ. Thông tin về Việt Nam bằng nhiều hình thức lan tỏa và truyền cảm hứng cho hàng triệu người.
Chúng tôi, những người ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam, rất vui mừng khi Hiệp định Hòa bình Paris cuối cùng đã được ký kết ngày 27/1/1973. Việc triển khai thực hiện các nội dung hiệp định trên thực tế còn khó khăn hơn nhiều. Đáng mừng là Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Việc ký kết Hiệp định Paris là biểu tượng hòa bình không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Bình là một người vĩ đại, bà đã cống hiến cả sự nghiệp của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.