Sáng 2/8, Học viện Phật giáo Việt Nam(Sóc sơn, Hà Nội) phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo năm 2019.
Đây là chương trình có ý nghĩa về đạo pháp và nhân văn sâu sắc, là một trong những hoạt động của chương trình phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu” của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 43/2000TTg ngày 07/4/2000.
Ngày hội “Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo” sẽ không chỉ dừng lại một ngày mà đó là điểm khởi đầu cho một tinh thần nhân ái sẽ được tổ chức hàng năm. Ban tổ chức mong muốn tình yêu thương noi gương Đức Phật “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa” được lan tỏa, kêu gọi các cơ sở phật giáo tiếp tục vận động tăng ni, Phật tử tiếp tục tham gia hiến máu cứu người.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ, Đức Phật bố thí cho chúng sinh từ mắt, tay, chân, xương, thịt... Bố thí ở đây được hiểu là kính dâng, kính hiến, kính biếu. Một trong những đạo trở thành Phật, bố thí là đầu tiên, nếu chúng ta không dám hy sinh cơ thể mình cứu chúng sinh thì đạo đó không thành được, không thành Phật. Đức Phật hy sinh mình vì mọi người. Noi theo gương Đức Phật, tham gia ngày hội Hiến máu, hiến tạng cứu người là tâm nguyện, mong mỏi của 500 tăng ni sinh sinh hoạt tại học viện thực hiện hạnh từ bi cứu khổ của Đức Phật.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho hay, hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến máu, Thượng tọa cùng chư tôn đức lãnh đạo, giảng sư, gần 500 tăng ni sinh học viện và đông đảo Phật tử đã nhất tâm hoan hỉ hưởng ứng, coi đây là dịp vô cùng thuận lợi để thực hiện hạnh Bồ Tát của mình bằng việc làm thiết thực này.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, cho tới thời điểm hiện tại, số lượng tăng ni sinh tham gia hiến máu là gần 400 người và số người tham gia hiến tạng, hiến mô được 50 người.
"Việc hiến máu này Học viện Phật giáo Việt Nam hoàn toàn vận động chứ không áp đặt hay ra quy định các tăng ni sinh phải bắt buộc hiến máu, hiến mô, hiến tạng. Tại buổi hiến máu ngày 4/8 tới đây, tôi sẽ xung phong tham gia hiến máu đầu tiên. Việc hiến mô, hiến tạng tôi đăng ký và làm thủ tục theo đúng quy trình của BTC”, Thượng toạ Thích Thanh Quyết nói.
Bên cạnh nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê năm 2006 của ngành y tế khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (dân số Việt Nam lúc đó hơn 85 triệu người) thì có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận và trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc (trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc) và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi. Tính đến tháng 7/2019, cả nước có gần 25.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não và Việt Nam đã thực hiện được trên 3.000 ca ghép tạng.
Trong những năm qua, việc tuyên truyền hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người, để đem lại sự sống hồi sinh cho các bệnh nhân. Để đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các tăng ni, Phật tử tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người. Mới đây nhất, tháng 5/2019, gần 600 tăng ni, Phật tử đã đăng ký hiến tặng mô, tạng tại chùa Giác Ngộ. Trước đó, Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ đã 4 lần tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học, lần gần nhất vào tháng 5/2019 với gần 600 tăng ni, Phật tử đăng ký; 250 người đăng ký năm 2015, 583 người đăng ký năm 2016 và 527 người đăng ký năm 2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.