6 biểu đồ phản ánh tác động sâu sắc từ dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu
6 biểu đồ phản ánh tác động sâu sắc từ dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu
Thứ năm, ngày 12/03/2020 15:45 PM (GMT+7)
Khi dịch Covid-19 (virus corona) lan rộng ra 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu, những vấn đề không chỉ dừng lại ở việc có bao nhiêu ca nhiễm bệnh, mà còn là tác động của nó đến kinh tế thế giới ra sao.
Ben May, nhà kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics cho hay: “Việc phong tỏa nhiều thành phố trên diện rộng để kiểm soát dịch virus corona như Trung Quốc đã thực hiện có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Những lo ngại về tác động của dịch bệnh với nền kinh tế toàn cầu đã làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới, khiến cổ phiếu giảm mạnh và lợi tức trái phiếu chính phủ chạm đáy.
Dưới đây là 6 biểu đồ được công bố bởi Oxford Economics cho thấy tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế toàn cầu.
Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hàng loạt tổ chức nghiên cứu và ngân hàng lớn trên thế giới đã tiến hành cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mới đây nhất, trong báo cáo tháng 3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 với hầu hết các nền kinh tế. Theo đó, dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 chỉ đạt 2,4%, giảm từ mức dự kiến 2,9% trước đó. Riêng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tụt dốc từ mức dự kiến 5,7% xuống 4,9% trong cả năm 2020.
Hoạt động sản xuất suy yếu
Chỉ số quản lý thu mua lĩnh vực sản xuất Caixin / Markit PMI tháng 2 của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt 40,3, cho thấy một sự suy yếu đáng kể trong hoạt động của các nhà máy.
Sự suy yếu này không chỉ phản ánh những thiệt hại của nền kinh tế Trung Quốc do dịch virus corona mà còn cho thấy sự tổn thương với nhiều quốc gia có chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore...
Dù truyền thông nhà nước tuyên bố khoảng 90% doanh nghiệp nhà nước đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong đầu tháng 3, các cuộc khảo sát chỉ ra hơn một nửa số doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thể trở lại làm việc vì thiếu hụt nhân công, thiếu nguyên vật liệu sản xuất, gián đoạn hàng hóa xuất nhập khẩu. Cùng với đó, sự lan rộng dịch virus corona trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước Italy, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản… đang đe dọa hoạt động sản xuất toàn cầu.
Ngành dịch vụ lao đao
Dịch virus corona không chỉ tấn công ngành công nghiệp sản xuất mà còn khiến ngành dịch vụ của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung khi người tiêu dùng giảm chi tiêu do hàng loạt khuyến nghị cách ly tại nhà, tránh tụ tập nơi đông người và các hoạt động công cộng. Nhiều cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và hãng hàng không đã dự báo doanh thu giảm mạnh vì dịch bệnh.
Caixin / Markit PMI ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 2 chỉ đạt 26,5%, lần đầu tiên tụt xuống dưới mức trung lập 50 điểm trong vòng 15 năm nay.
Tất nhiên, Trung Quốc không phải quốc gia suy nhất chứng kiến sự suy yếu trong ngành dịch vụ. PMI dịch vụ của Mỹ cũng sụt giảm trong tháng 2, theo IHS Markit. Tại nhiều quốc gia khác, sự giảm sút khách du lịch khi dịch virus corona bùng phát trên toàn cầu cũng gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành dịch vụ.
Giá dầu giảm sâu
Việc hoạt động kinh tế trì trệ vì dịch virus corona đã làm nhu cầu dầu trên toàn cầu giảm mạnh, đưa giá dầu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trung Quốc - tâm chấn của dịch virus corona là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Do đó, khi ngành sản xuất kinh doanh và các hoạt động giao thông tại Trung Quốc tê liệt nhiều tuần liền vì dịch virus corona, việc nhu cầu dầu giảm là điều dễ hiểu.
Hiện tượng giá dầu giảm đã diễn ra trước cả khi OPEC và các đồng minh bất đồng trong khuyến nghị cắt giảm sản lượng dầu, khiến Arab Saudi thổi bùng chiến tranh giá dầu với Nga.
Các nhà phân tích DBS còn lo ngại sự bùng phát dịch Covid-19 ở Italy và các nước Châu Âu nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu giảm sâu hơn nữa.
Thị trường chứng khoán đỏ sàn
Nỗi sợ hãi xoay quanh tác động to lớn của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu đã khiến giá cổ phiếu giảm sâu tại nhiều thị trường lớn. Tại Mỹ, trong phiên giao dịch sáng 11/3, Dow Jones thậm chí đã rơi vào lãnh thổ thị trường gấu, tức mức giảm hơn 20% so với đỉnh kỷ lục hồi tháng trước. Hai chỉ số chính còn lại là S&P 500 và Nasdaq Composite cũng tiến sát lãnh thổ thị trường gấu.
Lợi suất trái phiếu giảm mạnh
Trái ngược với xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư lại đổ tiền vào những tài sản an toàn như vàng hoặc trái phiếu, dẫn đến sự giảm mạnh lợi tức trái phiếu kho bạc.
Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc tất cả các kỳ hạn có thời điểm đồng loại giảm xuống dưới 1%, mức thấp kỷ lục chưa từng thấy. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm có thời điểm chạm đáy 0,3%.
Trước mức giảm mạnh như vậy, Cục Dự trữ Liên bang FED đã phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp 0,5% trong nỗ lực xoa dịu thị trường đầu tư, đưa lãi suất cơ bản xuống mức mục tiêu 1-1.25%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.