Bộ Xây dựng báo cáo kết quả 35 nhiệm vụ về hoạt động chất vấn của Quốc hội
Bộ Xây dựng báo cáo kết quả 35 nhiệm vụ về hoạt động chất vấn của Quốc hội
Thái Nguyễn
Thứ hai, ngày 21/10/2024 13:15 PM (GMT+7)
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện và nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ở lĩnh vực xây dựng.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, Bộ Xây dựng (cơ quan trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV) đã ban hành kế hoạch thực hiện và nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực như: Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; quản lý hoạt động xây dựng; quản lý nhà và thị trường bất động sản; công tác thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng.
Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật
Đối với 28 nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 và 7 nhiệm vụ tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023, Bộ Xây dựng cho biết đã tập trung thực hiện cơ bản đúng hạn, có chất lượng, còn một số nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch, đã và đang đem lại những chuyển biến tích cực đối với lĩnh vực xây dựng.
Bộ Xây dựng cho biết Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết 2 luật.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành 2 Thông tư quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Các văn bản quy định chi tiết này đều bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai xây dựng và hoàn thiện dự án Luật đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã báo cáo Chính phủ theo đúng kế hoạch.
Đến nay, về cơ bản nội dung dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ; có sự thống nhất với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Bộ Xây dựng hiện đang tiếp tục phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (khai mạc ngày 21/10/2024) theo đúng tiến độ.
Về Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ thông qua chính sách, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước.
Cùng với đó, 2 dự Luật được Chính phủ thống nhất đưa vào Quốc hội trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 (Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội). Trong đó, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị và dự án Luật Cấp, thoát nước dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bộ Xây dựng đã được giao chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật này tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, dự án Luật Cấp, thoát nước sẽ trình Chính phủ trong tháng 01/2025 và dự án Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ trình Chính phủ trong tháng 02/2025.
Bộ Xây dựng tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đồng bộ các hoạt động xây dựng từ khâu quản lý điều kiện năng lực hoạt động xây dựng và cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cho đến các công tác về thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2023 có 300 công trình, ban hành 649 thông báo, trong đó có 187 thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu chất lượng công trình theo thẩm quyền đảm bảo tiến độ yêu cầu đối với 270 công trình, ban hành 450 thông báo, trong đó có 159 thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình.
Từ giai đoạn 01/2022 đến 30/4/2024, Bộ Xây dựng đã giao cơ quan Thanh tra của Bộ tiến hành 39 đoàn thanh tra theo các lĩnh vực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở và kinh doanh bất động sản (trong đó có 24 đoàn thanh tra theo kế hoạch và 15 đoàn đột xuất theo chỉ đạo). Riêng 9 tháng đầu năm, Bộ đã triển khai 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2024, trong đó có 4 cuộc thanh tra chuyên ngành về công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết còn trình trạng đầu tư xây dựng chưa phù hợp với quy hoạch, chưa đảm bảo yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn và chưa thực hiện nghiêm trình tự đầu tư xây dựng; nhiều dự án chậm tiến độ so với thời gian đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo đối với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;...
Bộ Xây dựng cũng cho biết với thị trường bất động sản còn một số chủ đầu tư không công khai hoặc công khai không đúng, không đầy đủ thông tin về dự án theo quy định; kinh doanh không đủ điều kiện năng lực; đưa bất động sản chưa đủ điều kiện vào kinh doanh;...
Theo báo cáo do các đơn vị gửi về Thanh tra Bộ Xây dựng, về cơ bản, các cơ quan có thẩm quyền, các chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm túc các kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra. Trong đó, kết quả thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đạt kết quả cao, 50/60 quyết định đã được thực hiện, tỷ lệ đạt 95,2% (số liệu đến 26/4/2024). Về xử lý hành chính đã thực hiện việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 116 tập thể và 152 cá nhân có sai phạm.
Để ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và địa phương, tăng cường công tác thông tin dự báo, có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh, đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.