6 lần tuần du Giang Nam, Càn Long tiêu tốn tiền bạc khủng khiếp ra sao?
6 lần tuần du Giang Nam, Càn Long tiêu tốn tiền bạc khủng khiếp ra sao?
Vương Nam
Thứ hai, ngày 14/02/2022 18:31 PM (GMT+7)
Càn Long là một vị minh quân nhưng cũng là một ông vua nổi tiếng về khoản ăn chơi, hưởng lạc. Trong số những cuộc chơi xa xỉ bậc nhất của Càn Long, không thể không nhắc đến 6 lần tuần du Giang Nam.
Càn Long tuần du phương nam 6 lần, bằng với số lần tuần du của hoàng đế Khang Hy. Tuy nhiên, chi phí mỗi chuyến đi của Càn Long nhiều gấp 10 lần so với Khang Hy.
Khang Hy tuần du để quan sát dân tình và chăm lo việc nước. Ngược lại, những chuyến tuần du phương nam của Càn Long, chủ yếu là đi thăm thú, ăn chơi hưởng lạc. Ông ta thường bắt đầu những chuyến tuần du vào mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm.
Một trong những chuyến tuần du tốn kém khủng khiếp nhất, phải kể đến vào năm Càn Long thứ 12 (năm 1748), Càn Long học theo Khang Hy, cùng với mẹ là Sùng Khánh hoàng thái hậu, xuống Giang Nam thăm thú.
Càn Long xuống chiếu, nói: “Trẫm đi thăm hỏi phong tục, quan sát phong cảnh, tuần du miền Giang, Chiết, thanh sạch mà đến, ân đức dồi dào. Càng nhớ tới vùng Giang Nam, Chiết Giang nhân tài tụ hội. Thánh Tổ nhân hoàng (Khang Hy) đã từng tuần thú nhiều lần, lễ nghĩa thấm nhuần rộng khắp, luật lệ ít lời, ban ơn mưa móc".
Theo Thanh sử, Càn Long tuần du xuống phía nam, chỉ riêng thuyền lớn đã huy động hơn một nghìn chiếc. Vốn Càn Long thích nghe kinh kịch, nên suốt lộ trình, các nơi Càn Long đi qua, quan lại đều cho xây dựng sân khấu để hát xướng. Những gánh hát nổi tiếng của Trung Quốc bấy giờ đều đổ xô đến hai tỉnh Giang Nam, Chiết Giang biểu diễn.
Thuyền lớn mà Càn Long sử dụng phải dùng đến sức kéo của cả ngàn dân phu mới di chuyển được trên sông. Riêng ngựa được huy động đến 6.000 con, lạc đà 600 con, người hầu, cung nữ, phi tần cho đi theo đến vài ngàn người.
Trên chặng đường từ Bắc Kinh đến Hàng Châu, tổng cộng có 36 hành cung được xây dựng, cứ 20 dặm lại có một nhà công quán. Trên đường Càn Long đi qua đều phải trải thảm, che bằng lụa.
Đặc biệt, ở những nơi Càn Long tuần du qua, giá của hàng hóa lại bị đội lên gấp hai, ba lần, khiến cho phủ Nội vụ (nơi quản lý tài chính, chi tiêu hoàng gia) phải oằn mình trang trải.
Mỗi khi đến nơi nào quan lại, nhân dân tổ chức đón rước linh đình, làm Càn Long hài lòng, đều sẽ được ban thưởng rất nhiều. Ước tính, chi phí cho mỗi cuộc tuần du của Càn Long lên đến 200 trăm vạn lạng bạc.
Vì tiêu xài quá độ, phủ Nội vụ nhiều năm liền bị thâm hụt ngân quỹ, còn các đại thần mỗi khi nghe hai chữ “tuần du” đều khiếp vía. Tình trạng hao hụt chỉ chấm dứt, khi Hòa Thân tiếp quản chức tổng quản phủ Nội vụ.
Thanh sử chép: Ngày 12, tháng giêng, năm Càn Long 44 (năm 1780), hoàng đế chuẩn bị xuống Giang Nam lần thứ năm. Chỉ yêu cầu phủ Nội vụ lo liệu những chi phí thường ngày, còn lại giao hết cho Hòa Thân.
Hòa Thân lệnh cho tổng đốc, tuần phủ các tỉnh, các thương nhân gấp rút tu bổ, xây dựng hành cung, vườn cảnh, khơi thông sông ngòi. Càn Long tới xem, thấy nơi nơi thuyền bè đậu kín mặt sông, liên tiếp mấy nghìn chiếc, tỏ ra vô cùng mừng rỡ.
Sáu lần tuần du phương nam, đã để lại rất nhiều giai thoại về những cuộc ăn chơi phong lưu bậc nhất của hoàng đế Càn Long. Tác phẩm “Thanh cung mười ba triều” đã miêu tả chi tiết việc tổ chức một cuộc đón rước Càn Long như sau:
Những nơi Càn Long đi qua, các quan lại đều được báo trước 1 tháng để chuẩn bị. Tuy nhiên, công quỹ có hạn, mà lễ đón rước muốn cho đẹp lòng Càn Long thì vô cùng tốn kém. Vì vậy, quan lại tìm đến các thương nhân với gia tài khổng lồ, giao cho việc đón tiếp Càn Long, những người này đều được gọi là Thân sĩ.
Trong số các Thân sĩ, phải nhắc đến hai nhân vật giàu có nổi tiếng trong lịch sử nhà Thanh, cũng như trong các tác phẩm văn học, điện ảnh, đó là Uông Như Long và Giang Hạc Đình.
Cả hai người này đều là những thương nhân buôn muối vô cùng giàu có ở Dương Châu (Giang Tô), sống vào thời Càn Long. Đặc biệt, Uông Như Long là một trong những tài phiệt, thuộc hạ rất đắc lực của Hòa Thân.
Cả Uông Như Long và Giang Hạc Đình đều mua những gánh hát nổi tiếng, những ca kĩ hát hay múa giỏi lại vô cùng xinh đẹp. Nổi bật là hai nàng Huệ Phong và Tuyết Như đều là mỹ nhân bậc nhất Dương Châu.
Huệ Phong và Tuyết Như cũng là những cái tên nổi tiếng gắn liền với Càn Long, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm và phim ảnh.
Càn Long đến Dương Châu, được Uông Như Long và Giang Hạc Đình cùng đám quan viên phục vụ, vô cùng thỏa mãn. Những kẻ này còn bỏ hàng vạn lạng bạc làm một Thủy hí đài (sân khấu trên nước), để Càn Long vừa có thể nghe nhạc, vui thú cùng hai mỹ nhân, vừa không làm lỡ thời gian của cuộc tuần du.
Càn Long đi từ Giang Tô đến Hàng Châu, đem Thủy hí đài thả vào giữa Tây Hồ cho quan lại và dân chúng xem hát, ai cũng không ngớt khen ngợi.
Càn Long đến Hàng Châu, vốn được coi là miền đất Phật của Trung Quốc. Hàng Châu có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Tịnh Từ, Hàn Sơn, Chiêu Khánh, Quang Hóa, Phượng Lâm…
Biết Càn Long rất sùng bái Phật giáo, đám quan lại cùng thương nhân ở đây đã chi 40 vạn lạng bạc để tu sửa hết các chùa chiền, miếu mạo. Những cao tăng ở Ngũ Đài Sơn được mời đến để giảng pháp, mong sao cho đẹp lòng Càn Long.
Tuy nhiên, việc mời các cao tăng Ngũ Đài Sơn không thành, họ bèn tìm những nho sĩ tài cao học rộng, thông hiểu phật pháp, bắt cạo đầu, cho làm trụ trì ở những chùa lớn.
Những kẻ này đều được giao hẹn trước, nếu người nào làm Càn Long vừa ý, được ban pháp hiệu, thì phải xuất gia cả đời và được thưởng 2 vạn lạng bạc. Nếu không được ban pháp hiệu thì được trả 4000 lạng bạc. Sự việc thú vị này cũng được rất nhiều các tác phẩm đời sau nhắc đến.
Có câu chuyện rất nổi tiếng về cuộc đối đáp giữa Càn Long và vị trụ trì giả mạo như sau:
Càn Long đến chùa Tịnh Từ, trụ trì giả là Huệ Lâm đã đứng ở cổng chùa đón tiếp. Hoàng đế lễ phật xong, cùng các hòa thượng lên núi Ngô Sơn, ngắm thuyền bè qua lại. Càn Long hỏi Huệ Lâm:
- Hòa thượng biết trên sông có bao nhiêu thuyền bè qua lại hay không?
Huệ Lâm nói ngay:
- Chỉ có hai chiếc mà thôi, một chiếc đoạt danh, một chiếc đoạt lợi.
Càn Long lại hỏi:
- Hòa thượng mà cũng thấy được danh lợi hay sao?
Huệ Lâm đáp:
- Hòa thượng không thấy danh lợi, bởi vậy nên mới thấy được những người danh lợi trong hai chiếc thuyền kia. Những người trong hai thuyền kia thấy được danh lợi, bởi vậy, lại không thấy được những người ở ngoài hai chiếc thuyền đó.
Càn Long cho rằng Huệ Lâm quả thật là kiến thức uyên thâm, vô cùng khen ngợi. Sau đó, ông ta trọng thưởng cho đám quan viên và các hòa thượng. Càn Long còn cấp tiền cho xây dựng, tu sửa hàng loạt ngôi chùa ở Hàng Châu, tốn kém bao nhiêu không kể xiết.
Trên đây chỉ là những giai thoại nổi tiếng nhất, được ghi nhận trong nhiều tác phẩm viết về những cuộc tuần du phương nam của Càn Long. Còn có vô số những câu chuyện khác, về những ngón ăn chơi xa xỉ bậc nhất của vị hoàng đế này, được lưu truyền cho đến ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.