Theo con đường bê tông nhỏ, chúng tôi đến nhà cô Nguyễn Thị The ở ấp Mỹ Hưng 1. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, cô The tâm sự: 6 năm qua, ngày nào cô cũng thắp nhang để tưởng nhớ người con trai của mình.
Với cô, 6 năm chưa đủ để cô quên nỗi đau vì khi ấy người con trai út của cô mới cưới vợ được 19 ngày. Nỗi đau càng đau hơn khi 4 tháng sau, cô phải nghẹn ngào đưa chồng về cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên, nhờ bà con khắp mọi miền đất nước chia sẻ nên nỗi đau của cô đã vơi đi rất nhiều…
Anh Lê Hoàng Nam (30 tuổi, ở ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa) – một nạn nhân may mắn sống sót thì được bà con ở đây xem như một gương điển hình của sự vượt khó. Vụ tai nạn trên, ai cũng tưởng rằng anh Nam không thể sống nổi vì trái tim đã lộ đến ngoài. Nhưng trời đã cho anh một trái tim mạnh khỏe và một ý chí kiên cường, giúp anh giành lại sự sống cho mình. Sau 3 năm hồi phục, anh Nam đã mạnh dạn rút hết số tiền 154 triệu đồng được bồi thường để mua xe tải chở thuê hàng hóa và hiện tại thu nhập được gần 10 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi chạy đến ấp Mỹ Thới 2. Là gia đình hiếm hoi ở ấp Mỹ Thới 2 có chồng mất trong tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, nên người dân trong ấp đều biết đến gia cảnh của chị Nguyễn Thị Huỳnh Giao. Hiện nay, dù không còn chồng bên cạnh, và bước chân khập khiễng vì di chứng bệnh thuở nhỏ, chị vẫn quyết tâm tạo dựng sự nghiệp mới từ số tiền được bồi thường của chồng.
Chị mua thêm 2 công đất vườn trồng bưởi, và mở thêm tiệm tạp hóa nhỏ tạo dựng lại cuộc sống, mỗi tháng cũng mang lại thu nhập kha khá. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: “Nhìn chung cho đến nay, hầu hết các hộ dân gặp nạn từ cầu Cần Thơ đã vào nếp ổn định và dần có sự tiến triển mới. Việc xây dựng các con đường đan, nhựa nối liền các ấp lại với nhau, tạo thuận lợi cho việc giao lưu, mở rộng và phát triển kinh tế. Vì thế, ai biết phấn đấu thì sẽ tiến bộ nhanh giàu”.
Dương Mỹ Tiên (Dương Mỹ Tiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.