6 người ở Saigon Co.op bị khởi tố, đối mặt khung hình phạt nào?

Quang Trung Thứ tư, ngày 20/07/2022 15:00 PM (GMT+7)
Viện KSND TP.HCM đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đối với 6 người trong vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Những nguời này có thể đối mặt với khung hình phạt nào?
Bình luận 0

Thêm 6 người ở Saigon Co.op bị khởi tố

Các bị can gồm: Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc tài chính, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (nguyên Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op), Trần Trung Liệt (nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op), Hàng Thanh Dân (nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Saigon Co.op từ 2015 - tháng 7/2019, hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op)…

6 người ở Saigon Co.op bị khởi tố, đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

6 người ở Saigon Co.op bị khởi tố để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: BTT

6 bị can này bị khởi tố để điều tra về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360, Bộ luật hình sự 2015.

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã phối hợp Viện KSND thành phố tiến hành tống đạt các lệnh, quyết định và tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 6 bị can trên.

Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" do Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op thực hiện, xảy ra tại Saigon Co.op.

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích nhà nước, tập thể, công dân.

Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Người có chức vụ quyền hạn được coi là phạm tội khi họ có khả năng thực tế hoàn thành công việc được giao, tuy nhiên đã lơ là trong công việc, không thấy trước khả năng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thấy trước nhưng tin rằng hậu quả không xảy ra hay có thể ngăn ngừa được.

Khách thể của tội phạm là xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức, làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

Theo ông Hòe, hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, là một bộ phận hợp thành tội danh, đó là hậu quả nghiêm trọng. Nếu hậu quả gây ra rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật này.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, tội danh này có 3 hình phạt chính và một hình phạt bổ sung.

Hình phạt chính có các mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (khoản 1); phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (khoản 2); phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (khoản 3).

Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

"Sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt như trên" – vị luật sư thông tin.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem