6 triệu người cận nghèo không bảo hiểm y tế

Thứ tư, ngày 12/01/2011 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làm thế nào để thu hút người cận nghèo tham gia Bảo hiểm y tế? NTNN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bình luận 0

Sau 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi bổ sung, cả nước hiện có hơn 7 triệu người cận nghèo thì đến 6 triệu người chưa có thẻ BHYT. Về vấn đề này ông Tiên nhận định:

BHYT với người cận nghèo hiện nay là vấn đề rất nan giải. Cho dù họ được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ 50% và một số tỉnh được dự án hỗ trợ thêm 20-40% nữa nhưng phần lớn người cận nghèo vẫn không tham gia.

img
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên (Lai Châu) chăm sóc bệnh nhân

Tại sao được hỗ trợ phần lớn, mà người cận nghèo vẫn không mặn mà với BHYT, thưa ông?

- Người cận nghèo thực ra cũng nghèo, thêm vào đó nhận thức về bệnh tật, sức khoẻ, BHYT của họ còn hạn chế nên không tham gia BHYT cho dù chỉ phải đóng thêm vài chục phần trăm, thậm chí chỉ là 10% mệnh giá thẻ.

Ngoài ra, ở những địa phương không có hỗ trợ dự án hoặc tổ chức nhân đạo, mỗi năm một thẻ 379.000 đồng, nếu được nhà nước hỗ trợ 50% thì một gia đình 5 người phải bỏ ra cả triệu bạc nên họ không có điều kiện. Ngoài ra còn có tâm lý, đợi chuẩn nghèo mới để họ trở thành người nghèo được hỗ trợ 100%.

img Các địa phương, nếu vận động được thêm các tổ chức từ thiện hỗ trợ - chắc chắn người cận nghèo có cơ hội khám chữa bệnh khi ốm đau. img

Ông Nguyễn Văn Tiên

Vậy có giải pháp nào trước mắt để người cận nghèo có thẻ BHYT?

- Thực tế năm qua có nhiều địa phương chỉ có 1 - 3% người cận nghèo tham gia BHYT. Một trong những lý do chính là chính quyền và đoàn thể không vào cuộc, để mặc chính sách là chính sách, không có sự tuyên truyền, vận động. Trong khi đó, một số tỉnh như Bến Tre, chính quyền vào cuộc mạnh tay thì người cận nghèo có thẻ BHYT với tỉ lệ cao.

Cụ thể, Ngân sách hỗ trợ 50%, dự án hỗ trợ 20-30%, số còn lại địa phương vận động tổ chức xã hội làm từ thiện và như vậy người cận nghèo được hỗ trợ 100% thẻ BHYT. Các địa phương, nếu vận động được thêm các tổ chức từ thiện hỗ trợ - chắc chắn người cận nghèo có cơ hội khám chữa bệnh khi ốm đau.

Nhưng về lâu dài, cần phải có giải pháp đồng bộ để người dân ý thức tham gia BHYT, thưa ông?

- Nghị quyết 18 của Quốc hội đã nêu, nhà nước chuyển dần từ đầu tư cho giường bệnh của bệnh viện sang đầu tư BHYT. Như vậy, bệnh viện có tiền từ Quỹ BHYT chi trả để tái đầu tư, người bệnh thì được bảo hiểm chi trả viện phí và nhà nước không phải đầu tư kinh phí cho bệnh viện nữa.

Hiện nay, mỗi năm bệnh viện tỉnh phải chi 60 - 70 triệu đồng/giường bệnh. Trong khi đó, bệnh nhân đi khám bệnh, đặc biệt là người không có thẻ BHYT vẫn phải chi trả 100%, như vậy bệnh viện quá tải mà người bệnh vẫn khổ.

Sau này, ngân sách đó chuyển vào mua thẻ BHYT cho người cận nghèo cùng các đối tượng khác. Ví dụ, thẻ BHYT có mệnh giá lên đến 1-2 triệu đồng/năm, bệnh viện không được cấp tiền ngân sách và không có sự phân tuyến nữa thì bệnh viện buộc phải phục vụ bệnh nhân tốt nhất để thu hút bệnh nhân.

Về công tác tuyên truyền, cơ quan bảo hiểm từng địa phương cần phải tuyên truyền hơn nữa về chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHYT để nâng cao nhận thức của người dân.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem