62% nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19 chưa nhận được phụ cấp

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 18/12/2021 15:47 PM (GMT+7)
Nghiên cứu trên 2.000 nhân viên y tế đang tham gia chống dịch Covid-19 ở Việt Nam cho thấy, 60% nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc tăng cao nhưng 62,2% nhân viên y tế chưa nhận được bất kỳ khoản phụ cấp chống dịch Covid-19 nào.
Bình luận 0

Ngày 18/12, tại hội thảo: "Tác động của đại dịch Covid-19 với sức khỏe, điều kiện kinh tế, xã hội, việc làm của nhân viên y tế", kết quả nghiên cứu về "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19" ở 2.000 nhân viên y tế các cấp từ tháng 9 đến tháng 11/2021 cho thấy, khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, và đáng chú ý là hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào.

62% nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19 chưa nhận được phụ cấp - Ảnh 1.

Nhân viên y tế đang phải chịu rất nhiều áp lực trong đại dịch Covid-19. (Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BYT)

Điều này làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y, bác sĩ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe – đối với người bệnh mắc Covid-19 cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu. 

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế. Nghiên cứu khảo sát hơn 2.000 y bác sĩ trên cả nước tại nhiều tỉnh thành phố.

PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo nghiên cứu có đến 80,9% nhân viên y tế nhận thấy họ có thể chi trả 1 phần hoặc không thể chi trả các chi phí sinh hoạt. Trong đó chỉ có 19,1% có thể chi trả hoàn toàn, 60% chi trả 1 phần và 20,9% không thể chi trả.

PGS Bách cũng cho biết: "Đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế.

Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ."

Một nam nhân viên y tế tâm sự: "... Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ này và tự hào được phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không biết khi nào đại dịch sẽ kéo dài đến bao giờ. Nếu quá lâu, chúng tôi không chắc mình có thể thực hiện được nhiệm vụ này không vì gia đình chúng tôi cũng đang cần chúng tôi".

Cũng theo nghiên cứu, có gần 4% nhân viên y tế muốn nghỉ việc; hơn 59,7% nhân viên có kế hoạch duy trì công việc (không chắc chắn) và chỉ có hơn 36,6% nhân viên chắc chắn duy trì công việc.

Nghiên cứu cũng cho biết, lương bình quân năm 2020 của nhân viên y tế là 7,36 triệu đồng (trong khi giá sinh hoạt bình quân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 10 triệu và 11 triệu đồng). Lương là lý do chính để nhân viên y tế công chuyển sang khu vực tư nhân.

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh thành ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Bộ Y tế tây dựng và trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem