63% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 14/07/2020 11:39 AM (GMT+7)
2/3 số phụ nữ phải chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như bị kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.
Bình luận 0

Đây là thực tế đáng báo động được đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: "Hành trình để thay đổi", tại Hà Nội vào ngày 14/7.

Sự kiện được Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Đây là cuộc điều tra bạo lực với phụ nữ quốc gia lần thứ 2 được tổ chức ở Việt Nam.

63% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Hội thảo công bố báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ. Ảnh: M.N

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 thuộc 500 địa bàn, ở 63 tỉnh, thành phố. Kết quả được phỏng vấn cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có 2 người (63%) phải chịu đựng một hình thức bạo lực gia đình nào đó. Hầu hết bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam thường do chồng gây ra.

Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời sống năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24. Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này. Đáng chú ý, có 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.

Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).

90% phụ nữ bị bạo lực vẫn cam chịu

Các kết quả từ báo cáo cũng cho thấy bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.

63% phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: "Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống".

Tuy nhiên, theo bà Hà nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực.

Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem