Thạc sĩ Bùi Văn Khương trong một chuyến đi tìm tài liệu minh oan cho anh trai.
Đấu tranh với băng cướp rượu Chivas
Tiếp tục câu chuyện về quá trình đấu tranh với nhóm cướp rượu Chivas, Thạc sĩ luật Bùi Văn Khương (SN 1988, trú xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) cho hay anh đã nghiên cứu rất kỹ hiện trường “kỳ án” cướp đò sông Ka Long. Theo đó, thấy hướng tiếp cận từ đồi Cổ Ngỗng đi xuống đò theo vách đồi cao 8m, dốc 75 độ nên nhóm cướp không thể nhảy xuống đò gây án từ hướng này được, hướng duy nhất có thể đi xuống tiếp cận đò của bị hại Tống Ân Hoa (người Trung Quốc) chỉ có thể là đi theo đường xuống trạm bến xuống, sau đó đi men theo bờ sông để lên đò.
Điều này chứng minh việc cơ quan điều tra kết luận nhóm Nguyễn Quốc Cường (SN 1989) cùng 4 thành viên khác gây án từ hướng đồi Cổ Ngỗng là không chính xác. Để làm rõ hơn vấn đề này, anh Khương đã chuẩn bị ảnh có ghi thông tin cá nhân của Đào Văn Linh, Nguyễn Văn Tiền, Lê Thế Hải và nghiên cứu thật chắc hồ sơ nhóm cướp để đấu tranh với nhóm của Đào Văn Linh.
Ngày 8/6/2016, anh Khương cùng các Luật sư Đặng Văn Cường, Nguyễn Công Thành (Văn phòng Luật sư Chính pháp- Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) vào trại giam Hang Son - Quảng Ninh để xác minh, đấu tranh với Đào Văn Linh. Tại buổi làm việc có sự chứng kiến của ông Thái Thành Luân là cán bộ trại giam tham gia giám sát.
“Khi bước vào phòng và được cán bộ trại giam giới thiệu thành phần, nội dung buổi làm việc, Đào Văn Linh có vẻ rất lo lắng, bồi hồi và xin cán bộ được hút điếu thuốc. Trước tiên, Luật sư, cán bộ trại giam trò chuyện một chút về việc chấp hành án, sinh hoạt của Linh ở trại giam có gặp khó khăn, vất vả gì không và làm công tác tư tưởng để Linh bình tĩnh, khai báo thành khẩn, trung thực. Sau đó, Luật sư đưa ra phân tích về đạo lý, pháp lý trong vụ việc”, anh Khương kể.
Hiện trường nơi xảy ra vụ cướp được chụp lại từ bờ sông Ka Long bên phía TP.Đông Hưng, Trung Quốc.
Về đạo lý, Luật sư phân tích nhóm cửu vạn của anh Bùi Mạnh Giáp (SN 1983, trú xã Tam Đồng) là những người lao động chân chính, họ phải tha hương đi bốc vác kiếm tiền mưu sinh, nếu họ không cướp tài sản mà phải chịu tội cướp tài sản thì hoàn cảnh của họ vô cùng đáng thương. Bản thân anh Giáp cũng vậy, không được chỉ đạo ai đi cướp tài sản mà nếu bị kết tội oan thì cũng vô cùng uất ức, đáng thương. Những vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…là bài học đau xót làm tan nát cuộc sống của họ và gia đình mà anh Linh cũng đã biết.
Về pháp lý, Luật sư phân tích với Đào Văn Linh, đó là sự thật vụ án chỉ có một, hướng tiếp cận duy nhất xuống hiện trường vụ án là đường đi xuống trạm Bến Xuồng, các nội dung mà Linh “tâm sự” với Nguyễn Quốc Cường về vụ cướp ở khu vực Cổ Ngỗng phù hợp với hiện trường và diễn biến vụ án, phù hợp với những lời khai về việc 3 chiếc xe máy bỏ lại hiện trường vụ án mà biên phòng thu giữ được và cũng phù hợp với nhiều tài liệu, chứng cứ khác. Vì vậy, xét về đạo lý và pháp lý thì anh Linh phải có trách nhiệm khai báo thành khẩn, trung thực về vụ án Cướp tài sản ở khu vực Cổ Ngỗng. Cả hai vấn đề này cũng được cán bộ trại giam phân tích thêm cùng các Luật sư.
Lời thú tội của nhóm cướp rượu Chivas
Sau khi phân tích, đấu tranh với Đào Văn Linh trong trại giam nhiều giờ đồng hồ, người này khai nhận: “Tối ngày 15/12/2012, tại khu vực Cổ Ngỗng bờ sông Bắc Luân, nhóm của Linh có 7 đến 8 người (Chung quê Yên Bái, Tiền quê Thanh Hóa, Hải quê Hải Phòng và một số người khác Linh không nhớ tên) có ý đồ trộm cắp tài sản và đi trên 4 xe máy. Sau đó nhóm của Linh thấy tiếng hô hoán, tiếng pháo cá và bộ đội biên phòng lao ra với nhiều ánh đèn pin lia qua lia lại chiếu về nhóm của Linh, nhóm của Linh bỏ chạy” (Bút lục 1214,1215).
Ngọn đồi cao 8m, có độ dốc 75 độ được thể hiện bằng hình ảnh.
Theo anh Khương, do đây là buổi xác minh, đấu tranh đầu tiên với Đào Văn Linh nên Linh còn khai nhận sơ sài, nhỏ giọt. Ngày 8/7/2016, anh Khương cùng các Luật sư Đặng Văn Cường, Nguyễn Công Thành tiếp tục vào trại giam Hang Son - Quảng Ninh để xác minh, đấu tranh thêm với Đào Văn Linh. Tại buổi làm việc có ông Phạm Văn Duy là cán bộ trại giam tham gia giám sát.
Lúc này, Linh tiếp tục khai nhận: “Linh cùng Hải, Chung, Tiền và mấy người khác đi 4 xe máy xuống đồn 5 gần đồi Cổ Ngỗng…Tại hiện trường vụ án lúc đó chỉ có 8 người chúng tôi, hai người Trung Quốc trên đò. Ngoài ra, có khoảng 2-3 người chủ hàng và mấy cán bộ biên phòng ở đó” (Bút lục 1216,1217).
Trong biên bản được lập tại trại giam, Linh cũng thừa nhận trong đêm xảy ra vụ cướp đò sông Ka Long, sau khi thấy bộ đội biên phòng, Linh đã điều khiển xe máy bỏ chạy.
"Tôi không lấy được bao hàng nào trên đò tại đồi Cổ Ngỗng đêm hôm đó. Bản thân tôi thấy việc làm của tôi là sai. Tuy nhiên tôi chưa lấy được gì, chưa gây hậu quả nghiêm trọng gì nên tôi đề nghị cho tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật", Linh khai trong biên bản làm việc tại trại giam.
Ngày 27/6/2016, anh Khương cùng Luật sư Huỳnh Mỹ Long đến Trại giam Tân Kỳ của tỉnh Nghệ An để tìm gặp xác minh, đấu tranh với Nguyễn Văn Tiền. Vì chưa quen đường đi, anh Khương và Luật sư Long đi tàu từ tối hôm trước, sáng sớm thì đến ga Tân Kỳ nhưng sau đó lại phải đi taxi thêm 60km nữa mới đến được Trại giam.
Tại buổi làm việc có sự giám sát của cán bộ Trại giam, Nguyễn Văn Tiền đã có bản tường trình và khai nhận: “Khi ra ngoài Móng Cái tôi có quen biết mấy người như sau: Anh Kiên, Toản, Hải, Linh, Minh quê Hải Phòng, Chung quê Yên Bái. Chúng tôi có tham gia ba vụ cướp và bị bắt” (BL1219).
Từ những lời khai của Linh và Tiền, Thạc sĩ Khương và nhóm luật sư cho rằng đây là căn cứ chứng minh nhóm cướp rượu Chivas của Linh chính là thủ phạm vụ cướp đò sông Ka Long. Lời khai của 2 đối tượng phù hợp với việc cơ quan điều tra thu giữ được 3 xe máy tại hiện trường (nhóm cửu vạn của Cường và 4 người đã bị truy tố không đi xe máy). Ngoài ra, Tiền cũng đã thừa nhận ngoài vụ cướp rượu Chivas, nhóm này còn gây ra thêm 2 vụ cướp khác, cơ quan điều tra phải đấu tranh tuy nhiên việc này vẫn chưa được làm rõ.
---------------------------
Ngoài chứng cứ về việc có một nhóm cướp khác đã gây ra vụ cướp đò sông Ka Long, Thạc sĩ Bùi Văn Khương cũng nhắm tới một chứng cứ quan trọng khác đó là có những người là nhân chứng chứng minh việc nhóm cửu vạn của anh trai Bùi Mạnh Giáp không tham gia vụ cướp. Họ chính là một nhóm cửu vạn khác cùng ngồi chờ bốc hàng tại bờ sông cùng nhóm của Bùi Mạnh Giáp trong đêm xảy ra vụ án.
Mời quý vị đón đọc kỳ tiếp theo 7 năm kêu oan cho anh trai và kỳ án cướp đò sông Ka Long: Kêu oan bằng lời của nhân chứng vào 19h ngày 26/1/2020 trên mục Pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.