7 năm kêu oan cho anh trai và kỳ án cướp đò sông Ka Long: Kêu oan bằng lời của nhân chứng

Đức Sơn Chủ nhật, ngày 26/01/2020 18:55 PM (GMT+7)
Thạc sĩ Bùi Văn Khương cùng các luật sư cũng nhắm tới một chứng cứ quan trọng khác đó là có những người là nhân chứng chứng minh việc nhóm cửu vạn của anh trai Bùi Mạnh Giáp không tham gia vụ cướp. Những người này là một nhóm cửu vạn khác cùng chờ bốc hàng vào đêm xảy ra vụ cướp.
Bình luận 0

img

CMT của nhân chứng Hà Xuân Quyền được Thạc sĩ Khương chụp lại.

Lời của nhân chứng

Tiếp tục hồi tưởng về hành trình đi tìm những bằng chứng kêu oan cho anh trai Bùi Mạnh Giáp (SN 1983, trú xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) trong “kỳ án” cướp đò sông Ka Long, Thạc sĩ Bùi Văn Khương (SN 1988, cùng trú xã Tam Đồng) chia sẻ trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, anh cùng các luật sư cũng tìm thấy một chứng cứ quan trọng khác.

Ngoài chứng cứ về việc có một nhóm cướp khác đã gây ra vụ cướp đò sông Ka Long, anh Khương cùng các luật sư đã nhắm tới một chứng cứ quan trọng đó là có những người là nhân chứng chứng minh việc nhóm cửu vạn của anh trai Bùi Mạnh Giáp không tham gia vụ cướp. Họ chính là một nhóm cửu vạn khác cùng ngồi chờ bốc hàng tại bờ sông cùng nhóm của Bùi Mạnh Giáp trong đêm xảy ra vụ án.

Từ lời khai của nhân chứng Lê Đình Đáng tại cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh: “Thời điểm xảy ra vụ cướp nhóm Nhuận cũng đang ở khu vực bờ kè và cùng chứng kiến vụ cướp. Nhóm của Nhuận có Nam, Trường, Long, Khoa” (Bút lục 243); “Cùng quan sát vụ cướp có Nhuận, Nam” (Bút lục 244, 247).

Anh Vũ Đình Trưởng (quản lý một nhóm bốc vác khác) cũng có lời khai: “Nhóm cửu vạn ngồi chờ bốc hàng có Lê người Vân Đồn, Trường người Hải phòng (Bút lục 335)”. Cùng với những lời khai kêu oan của 5 cửu vạn có nội dung: “Đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16/12/2012 trong khi ngồi chờ bốc hàng cùng nhóm cửu của anh Trưởng do anh Hà Kỳ Nhuận quản lý tại khu vực bờ kè Cổ Ngỗng thì có xuống đò xem vụ cướp xảy ra, chứ không tham gia cướp tài sản”.

Anh Khương cùng các luật sư đã mở hướng xác minh, lấy lời khai khai của nhóm Nhuận, Nam, Trường, Lê…đây là những nhân chứng khách quan chứng minh sự ngoại phạm của nhóm cửu vạn Cường, Tùng, Lâm, Trung, Đáng của bị cáo Giáp.

“Tìm kiếm mọi kênh thông tin về nhóm Nhuận, Nam, Trường, Lê… và sau rất nhiều chuyến đi lặn lội tìm kiếm ở Móng Cái, Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, tôi và Luật sư Đặng Văn Cường đã tìm gặp được và mời các nhân chứng này là Đỗ Ngọc Nam (sinh năm 1994, phường Trần Thành Ngọ, huyện Kiến An, TP Hải Phòng), Trịnh Quốc Trường (sinh năm 1996, xã Thái Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng), Tạ Văn Lê (sinh năm 1983, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) ra trụ sở UBND xã, phường nơi họ cư trú để đề nghị viết bản tường trình, lập biên bản ghi lời khai có đóng dấu xác nhận của UBND xã, phường”, anh Khương nhớ lại.

Tất cả các nhân chứng đều khai nhận: “Đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16/12/2012, họ có mặt ở khu vực bờ kè Cổ Ngỗng ngồi chờ bốc hàng cùng nhóm 10 cửu bạn nhà anh Giáp. Trong khi xảy ra vụ cướp, họ ngồi cùng nhóm 10 cửu van của Giáp. Nhóm của anh Giáp không ai tham gia cướp tài sản”.

Làm giấy thông hành, qua biên giới chụp lại toàn cảnh hiện trường

img

Thạc sĩ Bùi Văn Khương trong chuyến đi tìm gặp nhân chứng Tạ Văn Lê, cửu vạn của nhóm Vũ Đình Trưởng tại xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

“Sau khi tôi bắt xe ra TP Móng Cái, chờ 3 ngày làm Giấy thông hành. Ngày 05/12/2018,  tôi đi sang Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc để quay và chụp lại toàn cảnh hiện trường vụ án. Bức ảnh tôi đưa ra tại Tòa để chứng minh không thể nhảy từ đồi Cổ Ngỗng xuống đò của bị hại neo đậu ở dưới sông và vác bao hàng chạy ngược lên đồi theo vách đồi cao 8m, dốc 75 độ mà nhóm Nguyễn Quốc Cường (SN 1989) cùng 4 người khác bị ép nhận tội như vậy”, anh Khương cho hay.

Đồng thời, anh Khương cùng các luật sư cũng chứng minh hướng duy nhất có thể tiếp cận đò bị hại là hướng đường đi xuống trạm Bến Xuồng như lời khai nhận của Đào Văn Linh. Tại vị trí ngồi chờ bốc hàng ở phía Đông Bắc hiện trường vụ án khi xuống con đò đỗ ở dưới sông thì nhóm cửu vạn có thể quan sát được vụ cướp chứ không phải tiến ra bờ sông tận 15m mới có thể quan sát hiện trường vụ án như biên bản thực nghiệm điều tra đã bị làm sai lệch.

Song song với đó, anh Khương cùng Luật sư Đặng Văn Cường đi tìm gặp, xác minh và  lập biên bản ghi lời khai có đóng dấu xác nhận của UBND xã đối với 5 cửu vạn “chạy thoát” là Vũ Văn Sinh, Bùi Văn Giang, Bùi Văn Đẳng, Ngô Văn Công, Hà Xuân Quyền. Những người mà theo Cáo trạng số 101/KSĐT ngày 11/8/2015 của VKSND thành phố Móng Cái cho rằng “đều chưa xác định được lai lịch”(Bút lục 350).

Tại các bản tường trình, biên bản ghi lời khai này họ đều khẳng định “Đêm ngày 15/12/2012, tại phòng trọ anh Giáp chỉ bảo họ đi bốc hàng chứ không chỉ đạo ai đi cướp tài sản”.

Những tài liệu mới đặc biệt quan trọng này về một nhóm cướp khác của Đào Văn Linh, nhóm nhân chứng chứng minh sự ngoại phạm Nhuận, Nam, Trường Lê và nhóm 5 cửu vạn “chạy thoát”, “chưa xác định được lai lịch” Sinh, Giang, Đẳng, Công, Quyền đã được Luật sư Đặng Văn Cường giao nộp cho Hội đồng xét xử sơ thẩm lần 2 tại TAND thành phố Móng Cái ngày 16/4/2019.

------------------------------

Từ những bằng chứng thu thập được và trình lên HĐXX phiên tòa phúc thẩm “kỳ án” cướp đò sông Ka Long, Thạc sĩ Bùi Văn Khương cùng 6 luật sư bào chữa đã có phiên tranh luận rất căng thẳng với đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh tại phiên tòa. 

Mời quý vị đón đọc kỳ tiếp theo Phiên tòa phúc thẩm và hành trình kêu oan vẫn kéo dài qua con số 7 vào 19h ngày 27/1/2020 trên mục Pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem