7 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2012

Thứ năm, ngày 27/12/2012 08:10 AM (GMT+7)
Dân Việt - Năm 2012 đang dần khép lại với một bức tranh thế giới nhiều gam màu sáng tối pha trộn. Những căng thẳng chưa được giải quyết, song cũng có những thay đổi tạo sự khởi đầu mới mẻ cho năm 2013.
Bình luận 0

Mời bạn đọc Dân Việt cùng điểm lại 7 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm qua:

1. Khủng hoảng ở Syria vẫn bế tắc

img

Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Basa Al-Assad và phe đối lập ở nước này leo thang nghiêm trọng làm hơn 42.000 người thiệt mạng, hơn 3 triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Trong khi Liên Hợp Quốc (LHQ) chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng, thì Tổng thống Assad kiên quyết không thoái lui.

2. Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa bất chấp dư luận quốc tế

img

Vụ phóng tên lửa bất ngờ của CHDCND Triều Tiên ngày 12.12 đã làm cả thế giới sững sờ. Vụ phóng được thông báo là thành công, trong khi cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại và yêu cầu LHQ có những biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã vi phạm nghị quyết của LHQ. Hàn Quốc cho rằng, tên lửa mà Triều Tiên phóng đi có khả năng vươn đến nước Mỹ. Đây là lần thứ hai trong năm Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa, lần đầu tiên vào tháng 4, nhưng đã thất bại.

3. Trung Quốc, Nga, Mỹ bầu lãnh đạo mới

Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 8 đến 14.11 đã hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc không chỉ được người dân nước này chờ đợi, mà còn được cả thế giới quan tâm, bởi chính sách đối ngoại mà nước này đặt ra trong nhiệm kỳ mới sẽ ảnh hưởng đến chính trường của rất nhiều quốc gia.

img
Tại Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn thành việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5 của nước này do ông Tập Cận Bình (trái) làm Tổng Bí thư.

Tại Nga, ông Putin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4.3 và trở lại cương vị người đứng đầu Điện Kremli, trong khi Tổng thống tiền nhiệm D.Medvedev trở thành Thủ tướng. Tổng thống Nga đặt trọng tâm phát triển đất nước vào vấn đề đoàn kết dân tộc, phát triển nước Nga hiện đại, toàn diện và tăng cường các nỗ lực liên kết trong không gian hậu Xô Viết.

Tại Mỹ, B.Obama giành chiến thắng sít sao trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney, tiếp tục ngồi lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2, bắt đầu từ tháng 1.2013. Trong nhiệm kỳ mới, ông Obama sẽ đối mặt với vấn đề hóc búa của nước Mỹ hiện nay là “vách đá tài chính” và điều chỉnh chính sách đối ngoại trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

4. “Nóng” chủ quyền biển đảo ở Biển Đông và Đông Bắc Á

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á cũng như giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và giữa Nhật Bản - Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo gây căng thẳng chưa từng có trong khu vực.

Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, trên nguyên tắc còn đang trong tình trạng chiến tranh, không thể đồng ý về đường phân ranh giới trên vùng biển phía tây. Mối căng thẳng này không chỉ ở khía cạnh ngoại giao, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của các bên liên quan.

5. Xả súng đẫm máu ở Mỹ

img

Vụ thảm sát tồi tệ thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ diễn ra ngày 14.12 tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut, khiến 20 trẻ em và 6 giáo viên thiệt mạng. Tên sát nhân đã dùng súng của mẹ để thực hiện vụ thảm sát. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về quy định sở hữu súng ở Mỹ. Nhiều người dân Mỹ đã tham gia biểu tình, kêu gọi thắt chặt luật súng đạn.

6. Cải cách ở Myanmar

Myanmar đã trở thành điểm sáng trong bức tranh chính trị khu vực khi quốc gia Đông Nam Á này thực hiện thành công lộ trình cải cách dân chủ toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính trị, kinh tế và xã hội. Đây cũng là năm đầu tiên một loạt nước tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này.

7. Nâng vị thế của Palestine tại LHQ

Đại Hội đồng LHQ ngày 29.11 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên phi thành viên. Với sự công nhận này, chính quyền Palestine lần đầu tiên có quyền đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế, đồng thời tiến sát hơn một bước đến mục tiêu thành quốc gia độc lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem