Ngoại giao Việt Nam - “Binh chủng” hùng hậu
Xin Thứ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong chặng đường 70 năm qua và trong 30 năm Đổi mới?
- Suốt 70 năm qua, ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Mỗi chặng đường đi lên của đất nước đều gắn liền với những bước trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Ngay từ những ngày đầu lập nước, dưới tài chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao đã góp phần giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, ngoại giao cũng là một mặt trận. Những thắng lợi ngoại giao qua các Hiệp định Geneve 1954 rồi Hiệp định Paris 1973 đã góp phần giúp chúng ta tiến đến thắng lợi cuối cùng năm 1975, thu giang sơn về một mối.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Sao vàng cho Bộ Ngoại giao Việt Nam tại buổi lễ kỷ niệm sáng 27.8. Ảnh: Đ.T
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định suốt 70 năm qua, ngành ngoại giao đã có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, làm cho bộ mặt đất nước đổi mới, bạn bè thế giới hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, vị thế như ngày nay.
Tôi cho rằng có 3 điều rất quan trọng mà ngoại giao đã làm được trong 30 năm Đổi mới: Một là góp phần xứng đáng vào việc giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Có thấy sự khốc liệt, tàn phá của 30 năm chiến tranh từ 1945 -1975 mới hiểu hết giá trị của hòa bình, ổn định suốt 3 thập niên qua. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã cơ bản giải quyết gần xong vấn đề phân định biên giới trên bộ với các nước láng giềng.
Hai là, tích cực, chủ động hợp tác với các bộ, ngành, địa phương tranh thủ rất tốt các nguồn lực bên ngoài để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã thu hút được 260 tỷ USD vốn FDI, 90 tỷ USD vốn ODA, mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư tới trên 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ba là, góp phần nâng cao đáng kể vị thế của đất nước: Từ chỗ bị cô lập, chỉ có quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nay nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, đặc biệt là chúng ta đã xác lập được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và nhiều tổ chức khu vực và quốc tế khác.
Trong lịch sử, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán hòa bình gay go nhất thế kỷ XX nhưng ngoại giao nước ta đã gặt hái được thành công và ghi dấu ấn sâu sắc. Điều gì đã tạo nên được sự thành công về ngoại giao như vậy, thưa Thứ trưởng?
- Ngày 27.1.1973 tại Paris, hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết, là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa chiến lược, buộc Mỹ phải rút hết, tạo nên sự so sánh lực lượng có lợi cho ta trên chiến trường, tiền đề quan trọng để tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Văn kiện pháp lý quốc tế này cũng là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất, trong lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Đây là giai đoạn chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ, vượt bậc của ngoại giao Việt Nam. Cùng với các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Chúng ta đã sử dụng chiến lược “vừa đánh, vừa đàm” kéo Mỹ xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán. Với Hiệp định Paris, ta đã giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975.
Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Paris là sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là nhờ sự phối hợp, công thủ nhịp nhàng giữa 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao để tạo thế cho nhau, giữa trong và ngoài nước, giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ðộc lập, tự chủ là nền tảng giúp ta xử lý thành công quan hệ với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.
Trong suốt quá trình đàm phán, ngoại giao đã góp phần đắc lực giúp nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, hiểu rõ thiện chí hòa bình của chúng ta. Qua đấu tranh và tranh thủ dư luận, ta "đưa chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ", tác động trực tiếp vào nội bộ Mỹ, góp phần tạo nên phong trào phản chiến rộng lớn khắp nước Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải từng bước xuống thang.
Tiếp tục nâng cao vị thế
Xin Thứ trưởng cho biết những nhiệm vụ lớn của ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới?
- Tình hình quốc tế và khu vực đang không ngừng biến chuyển với những diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường; cạnh tranh, can dự, cọ sát lợi ích giữa các nước gia tăng.
Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, những biến chuyển ấy không khỏi tác động sâu rộng đến công tác đối ngoại nói riêng và công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, đem lại không ít những cơ hội và cả những nguy cơ, thách thức đan xen.
Trong tình hình mới, ngoại giao xác định nhiệm vụ cốt lõi của ngành là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo các điều kiện thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để góp phần phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước.
Ngoại giao Việt Nam sẽ nỗ lực tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Công tác đối ngoại hướng tới không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng cường tin cậy; chủ động tích cực hơn nữa trong các cơ chế đa phương.
Bên cạnh đó, ngoại giao sẽ triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân, tuyên truyền đối ngoại và công tác ngoại vụ địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Buổi đầu lập nước, Bộ Ngoại giao chỉ có 20 cán bộ. Ngày nay ngành ngoại giao đã trở thành một “binh chủng” với trên 2.400 cán bộ nhân viên. Đến nay Việt Nam đã có 98 cơ quan đại diện tại nước ngoài và 101 cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.