1.Tìm hiểu nguyên nhân
Tìm hiểu lý do trẻ đánh bạn hay người khác sẽ giúp bố mẹ tìm ra cách tốt nhất để ngăn chặn và giải quyết nó.
Chuyên gia tâm lý cho rằng hành vi bắt nạt, đánh bạn cho thấy rắc rối của trẻ trong các mối quan hệ. Trẻ làm vậy có thể vì bản thân thiếu bạn, vì muốn cảm thấy mình quyền lực, đứa trẻ thiếu tự tin, muốn nổi loạn, hoặc nhận thấy đó là cách có được điều mình muốn.
2. Nhìn nhận những thay đổi trong cuộc sống của trẻ
Những thay đổi trong cuộc sống của trẻ có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng. Đó có thể là sự xuất hiện của một em bé mới hay gia đình ly tán hoặc bố mẹ phải trở lại làm việc sau những ngày dài bên nhau… đều có thể khiến trẻ tìm mọi cách để gây sự chú ý. Và theo suy nghĩ của những đứa trẻ, đánh nhau được coi là cách hiệu quả.
3. Cảnh báo trẻ về hậu quả và thực hiện ngay lập tức
Hãy nói với trẻ để trẻ có thể hình dung những gì mình sẽ phải đối mặt nếu đánh người khác. Quan trọng nhất là bạn phải thực hiện đúng như những gì mình đã nói và hành động ngay lập tức, tránh chần chừ. Việc trì hoãn các hình phạt sẽ không mang lại kết quả như mong đợi.
4. Áp dụng kỷ luật
Hình thức kỷ luật sẽ phụ thuộc vào tần suất và mức độ tái diễn hành vi bắt nạt của con bạn. Lần đầu con đánh bạn, chỉ cần nghiêm khắc nói: “Mẹ không muốn thấy con đánh bạn thêm một lần nào nữa”. Song nếu chuyện vẫn tái diễn, hãy cùng lên kế hoạch dạy con với giáo viên. Có thể là đưa ra vài quy định nghiêm khắc, ví dụ: “Từ giờ con không được phép đến gần bạn ấy trong phạm vi 10m”.
Ngoài ra, hãy dạy con nên sửa sai. Nếu con xé rách áo bạn, phải tự tiết kiệm tiền mua áo mới trả bạn. Trường hợp con gặp rắc rối trong giải quyết sự việc, hãy hướng dẫn cho con thấy còn nhiều cách để mọi việc ổn thỏa mà không cần nắm đấm.
Biết cách xử trí khi con đánh bạn sẽ ngăn chặn được xu hướng bạo lực khi chúng lớn lên.
5. Chia sẻ cảm xúc với con
Vì còn nhỏ nên trẻ thường không có nhiều từ để diễn tả cảm xúc hiện tại, vì vậy một số bé chỉ biết dùng những hành động như đấm, cắn, nhéo để thể hiện tâm trạng của mình. Bạn có thể cùng trò chuyện với con về những biểu hiện của cảm xúc trên gương mặt, khuôn mặt giận dữ ra sao, khuôn mặt vui vẻ ra sao. Khi trẻ đã bắt đầu hiểu ra thực sự bản thân mình đang cảm thấy như thế nào, trẻ sẽ có thể kiểm soát những cảm xúc ấy tốt hơn.
6. Dùng những từ ngữ cứng rắn, dứt khoát
Bố mẹ nên cho con biết rằng đánh nhau là một việc không bao giờ được chấp nhận. Bạn có thể nói : “Hãy ngừng ngay việc đánh nhau lại!”. Mặc dù lúc đầu có thể trẻ không chú ý đến lời nói của bạn, bạn có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi chúng ngừng đánh nhau.
Hãy chú ý đừng can trẻ bằng cách đánh chúng. Việc này không chỉ khiến trẻ hiểu sai về việc sử dụng bạo lực mà còn làm tổn thương đến cảm giác an toàn và lòng tự trọng của trẻ.
7. Hợp tác với những phụ huynh khác
Bạn có thể cảm thấy có lỗi về hành vi của con mình và cố tránh mặt phụ huynh khác, những người có con em bị đánh. Song thực tế, nếu gắng mở lời với họ, bạn sẽ thấy mọi việc được giải quyết dễ dàng hơn.
Người lớn nên nói chuyện cởi mở về những vấn đề của các con. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng họ thậm chí chẳng trách cứ bạn và sẵn sàng hợp tác để hành vi của con bạn mau chóng kết thúc
8. Ngăn chặn sớm
Có những đứa trẻ ưa dùng bạo lực bởi bản thân chúng chứng kiến người khác dùng bạo lực khá hiệu quả, ví dụ bố đánh mẹ, bố mẹ đánh con cái. Bởi thế, nếu có ai đó cư xử không phù hợp trước mặt con bạn, hãy yêu cầu họ sửa đổi hoặc giải quyết với nhau ở nơi khác.
Ngoài ra, hãy dạy con những bài học về tình bạn và các mối quan hệ một cách yêu thương để hướng con tới những suy nghĩ tích cực.
Bố mẹ Trung Quốc thường có xu hướng bảo vệ con cái của mình nhiều hơn. Mặc dù những gì mà họ dạy trẻ có thể chỉ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.