Cũng may, mới đây, họ được nhớ đến và đưa về tái định cư ở một nơi dễ sống hơn - thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Nhiều người rùng mình nhớ những năm kinh hoàng.
|
Gia đình nhiều người được dồn vào một ngôi nhà ở Hòn Đát |
Rùng mình nhớ lại
37 gia đình, trong đó có nhiều trẻ em, đã rơi vào hoàn cảnh khổ ải khi chấp nhận tham gia dự án. Chị Hờ Phèn - một trong số trên, kể: Chúng tôi phải sống cuộc sống không điện, không đường, có trường, có trạm mà cũng như không và không có nhà ở ổn định.
Gia đình chị sống trong căn nhà tuềnh toàng được lợp bằng tôn, vách nhà là vài tấm tranh, vạt liếp. Cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Ngày đi nạo sắn, chặt mía, tối về ở trong bóng đêm mờ mờ của ngọn đèn dầu leo lét. “Ban đêm buồn lắm, nhìn khắp cả xóm, chỗ nào cũng tối như mực”.
Chị Phạm Thị Thu Trang - hàng xóm với chị Hờ Phèn, nhớ lại: Mỗi lần đi chợ phải dậy đi từ sáng sớm. Chúng tôi buộc túm bao tải hai đầu đòn gánh quảy đi ra chợ, vượt qua những dốc cao nhìn trật ót. Mỗi tháng, chúng tôi chỉ dám đi một lần vì quá khổ ải. Nhà ai cũng ăn cá mặn dài dài, thèm chút cá tươi đứt lưỡi có tiền cũng không làm sao mua được”.
Chị Lê Thị Kim Chung (29 tuổi) xót xa: Đáng sợ nhất ở Hòn Đát là sốt rét. Làm quanh năm nhưng không đủ tiền uống thuốc vì bệnh.
“Hai đứa con tôi bị sốt rét rừng hành hạ, da xanh như tàu lá chuối. Sợ quá, chúng tôi gửi chúng về quê nội “trốn” bệnh. Vợ chồng tôi ở trên này năm nào cũng bị sốt rét hành hạ, vật tới vật lui. Nhiều hôm vợ chồng ôm nhau khóc, muốn tính đường về quê, nhưng đâu có vốn liếng mà về”.
|
Trẻ sinh ra tại Hòn Đát. |
Nhiều người không chịu nổi sốt rét rừng đã bỏ về quê cũ. “Làm quần quật ở đó 3 năm, vợ chồng em gái tôi bán 1,5ha đất trồng mía và các vật dụng khác được không quá... 500 nghìn đồng để về dưới này. Tụi nó sợ ở đó mất mạng giữa rừng!”- chị Nguyễn Thị Kim Cúc tâm sự.
Tháo chạy
Theo ông Sô Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, bắt đầu từ tháng 8.2011, 37 gia đình dãn dân 8 năm trước mới “mãn hạn” với rừng thẳm Hòn Đát mà về Suối Bạc. Hiện tại, địa phương đang hoàn tất các thủ tục nhập khẩu để con em bà con được học hành.
Một cán bộ ở Phòng Dân tộc huyện Sơn Hoà cho rằng, có nhiều lý do để bà con khi thực hiện dự án dãn dân phải chịu những nỗi khổ trên. “Dự án lập năm 2001 nhưng đến năm 2003 mới được phê duyệt. Ngoài ra, dự án này đến năm 2006 thì bị cắt kinh phí nên nhiều công trình, hạng mục đã không được thực hiện”.
Mỗi gia đình Hòn Đát nhờ được hỗ trợ 18 triệu đồng nên bà con có điều kiện làm một cuộc tháo chạy vội vã khỏi Hòn Đát để về sống xen ghép tại xã Suối Bạc.
Tất cả đều vui mừng. Bà Hờ Điệp - một cư dân Hòn Đát vừa về nơi ở mới, phấn khởi: “Tôi về đây ngoài được hỗ trợ nhà ở còn được hỗ trợ lương thực, điện, nước và tái sản xuất ổn định cuộc sống. Năm nay, nhà có gạo, củi, gà, rượu tươm tất để bắt đầu một cái tết (Tết 2012) vui vẻ sau 8 năm ở rừng rú”.
Vừa cất nhà xong, dù túng thiếu, nhưng bà Hờ Nhiệt vẫn đi mua một cái ti vi. “Bao nhiêu năm ở trong rừng không biết ti vi như thế nào. Bây giờ dù nghèo, tôi cũng phải mua một cái để coi”.
Nhiều gia đình khi hoàn tất xây nhà mới đã bàn tán đến việc đón Tết đầu tiên sẽ tổ chức cúng tất niên mời dòng họ, bạn bè từ xa về hàn huyên trong ngôi nhà mới. Tết năm nay chắc hẳn những trẻ em ở đây cũng nhận được phong bao lì xì đỏ may mắn từ những người thân mà bao năm qua nơi rừng thẳm xa xôi, tết không ai chịu khó vượt đèo, lội suối đến.
Để chuẩn bị đón Tết đầm ấm, vui tươi khi về nơi ở mới, bà con Hòn Đát ai cũng trồng trước nhà nào hoa vạn thọ, cúc, phụng… Nhìn bà con xun xoe với những niềm vui nhỏ nhoi đó, cũng thấy mát lòng. Đã qua rồi một dự án hãi hùng Hòn Đát.
Mạnh Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.