8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam gồm những ai?

Đình Chính Thứ sáu, ngày 19/02/2021 08:31 AM (GMT+7)
Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Nói đến sự kiện đặc biệt này, người ta thường nhắc tới các nhân vật như Lê Đức Thọ, Kissinger... những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc "việt dã" ngoại giao gần 5 thập kỷ trước.
Bình luận 0

Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) được coi là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Nói đến sự kiện đặc biệt này, người ta thường nhắc tới các nhân vật như Lê Đức Thọ, Kissinger... những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong cuộc "việt dã" ngoại giao hơn 3 thập kỷ trước.

Lê Đức Thọ (1911-1990)

Ông tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Vì tham gia các hoạt động cách mạng (tổ chức bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh...), ông bị thực dân Pháp bắt giam hai lần vào các năm 1930-1936 và 1939-1944. Sau khi được thả tự do lần thứ hai, Lê Đức Thọ trở về Hà Nội hoạt động và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 1.

Cố vấn Lê Đức Thọ.

Năm 1948, ông Lê Đức Thọ được cử vào miền Nam Việt Nam làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương cục miền Nam cho tới Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954.

Sau khi tập kết ra Bắc năm 1955, ông được bầu vào Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau Tết Mậu Thân, ông Lê Đức Thọ được điều trở lại miền Nam làm Phó bí thư Trung ương cục miền Nam, nhằm phát huy kết quả của đợt tổng tấn công Tết 1968. Ông là ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới năm 1986.

Tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi ông Lê Đức Thọ ra Hà Nội và cử làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Các cuộc đấu trí giữa Lê Đức Thọ và đại diện phái đoàn Mỹ Henry Kissinger, cả bí mật lẫn công khai tại Paris, đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử ngoại giao thế giới. Năm 1973, Lê Đức Thọ cùng Henry Kisinger được đồng trao giải Nobel về hòa bình nhưng ông đã từ chối nhận giải.

Henry Kissinger (1923)

Ông Henry Kissinger sinh tại thành phố Furth, Đức, ngày 27/5/1923. Phải 20 năm sau ông mới chính thức trở thành công dân Mỹ một cách đầy đủ. Henry Kissinger là giáo sư có uy tín tại Đại học Havard danh tiếng của nước Mỹ. Ông từng làm phụ tá cho thống đốc New York Nelson Rockefeller (sau là phó tổng thống Mỹ), trước khi được tổng thống Richard Nixon bổ làm cố vấn An ninh Quốc gia.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 2.

Henry Kissinger.

Henry Kissinger dẫn đầu đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán với ông Lê Đức Thọ của đoàn VNDCCH tại Paris, kể từ khi hội nghị bắt đầu đi vào thực chất cho đến lúc ký kết hiệp định năm 1973. Sau đó, Kissinger được bổ nhiệm làm bộ trưởng Ngoại giao thứ 56 của Mỹ và đảm trách chức vụ này hết thời tổng thống Gerard Ford (1973-1977). Nhà ngoại giao kỳ cựu này đã nắm ghế trợ lý cho tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia từ năm 1969 đến 1975.

Sau khi rời chính trường, ông đã lập ra Kissinger Associates, một công ty tư vấn quốc tế có trụ sở tại New York do đích thân ông làm chủ tịch. Ngày 27/11/2002, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã được Tổng thống đương nhiệm George W. Bush bổ làm giám đốc một ủy ban của chính phủ chuyên điều tra về vụ khủng bố 11/9. Nhưng ông chỉ nắm giữ chức vụ này vẻn vẹn có 16 ngày thì đệ đơn xin từ chức.

Nguyễn Thị Bình (1927)

Bà sinh năm 1927 tại tỉnh Quảng Nam. Từ tháng 9/1945 đến 1951, bà Nguyễn Thị Bình tham gia các phong trào đấu tranh của phụ nữ, sinh viên, giới trí thức chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Do các hoạt động này, bà Bình bị thực dân Pháp giam tại nhà lao Chí Hòa từ năm 1951 đến năm 1953. Sau khi ra tù, bà tiếp tục tham gia phong trào đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Geneva.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Bình thời kỳ ở Hội nghị Paris.

Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Bình là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Quốc gia Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1969 bà trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam và dẫn đầu đoàn đàm phán của chính phủ lâm thời tại Hội nghị Paris.

Những đề nghị cứng rắn và phong cách ngoại giao sắc sảo của người phụ nữ duy nhất trên bàn đàm phán này, đã thực sự cuốn hút sự chú ý của dư luận phương Tây. Ngày 27/1/1973, bà Nguyễn Thị Bình đại diện cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký kết Hiệp định Paris.

Từ năm 1976 đến năm 1987 bà được cử làm bộ trưởng Giáo dục của nước Việt Nam thống nhất. Tháng 9/1992 bà được bầu làm phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và được bầu lại vào chức vụ này tháng 9/1997.

Xuân Thủy (1912-1985)

Ông tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 trong một gia đình có truyền thống nho học yêu nước, tại xã Xuân Phương, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1938, ông bị thực dân Pháp bắt và giam trong các nhà tù ở Phúc Yên, Hà Đông, Hà Nội, Sơn La và Hà Giang. Những năm 1941-1943, ông là chủ bút tờ Suối reo trong nhà tù Sơn La, sau đó phụ trách tờ Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Xuân Thủy.

Năm 1955, ông Xuân Thủy được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và năm 1968 được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng. Năm 1963, Xuân Thủy được cử giữ chức bộ trưởng Ngoại giao VNDCCH. Từ năm 1968, ông làm trưởng đoàn đại biểu chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Paris.

Năm 1984, ông được cử giữ chức phó chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội, ủy viên Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài hoạt động chính trị, Xuân Thủy còn là một nhà thơ nổi tiếng với phong cách sáng tác giản dị, tự nhiên.

Nguyễn Duy Trinh (1910-1985)

Ông Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910 tại tỉnh Nghệ An, từng tham gia các phong trào yêu nước từ năm 1927. Trong suốt một thập kỷ (1935-1945), ông bị thực dân Pháp kết án tù khổ sai và đầy đi Côn Đảo. Ông Nguyễn Duy Trinh là cán bộ lão thành từng giữ nhiều trọng trách của Đảng Cộng sản Việt Nam: năm 1951 được bầu làm ủy viên Trung ương, năm 1955 làm bí thư Trung ương Đảng.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 5.

Nhà cách mạng Nguyễn Duy Trinh.

Từ năm 1965 đến 1980, ông Nguyễn Duy Trinh được cử giữ chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và được bầu vào Bộ Chính trị. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa 1 đến khóa 7. Ngày 27/1/1973, ông đã thay mặt chính phủ VNDCCH đặt bút ký vào Hiệp định Paris lịch sử.

William Averell Harriman (1891-1986)

Ông là một nhà ngoại giao nổi tiếng của nước Mỹ, từng phục vụ cho nhiều đời tổng thống nước này. Thời kỳ tổng thống Harry Truman cầm quyền, Averell Harriman là đại sứ Mỹ tại Liên Xô (1943-1946) và Anh (1946); đồng thời làm đại diện của Washington trong một số tổ chức như NATO. Về sau tổng thống Truman đã bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Thương mại.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 6.

William Harriman.

William Averell Harriman từng hai lần thất bại trong cuộc vận động để trở thành ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ vào các năm 1952 và 1956. Thời tổng thống John Kennedy, ông tiếp tục nắm giữ các chức vụ quan trọng của Bộ Ngoại giao. Ông Harriman là người đóng vai trò chính trong cuộc đàm phán ký kết Hiệp ước cấm thử hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô năm 1963.

Năm 1965, tổng thống Johnson bổ nhiệm ông làm đại sứ lưu động tại khu vực Đông Nam Á. Với cương vị này, ông Harriman đã công du khắp nơi trên thế giới để vận động cho chính sách của Washington tại Việt Nam.

Năm 1968, khi cuộc đàm phán về hòa bình tại Việt Nam mở màn ở Paris, ông Harriman làm trưởng đoàn đàm phán đầu tiên của Mỹ với VNDCCH. Sau khi tổng thống Richard Nixon đắc cử, đại sứ Henry Cabot Lodge đã thay thế vị trí của Harriman tại Paris. Averell Harriman từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thái độ hai mặt: vừa đàm phán hòa bình vừa tiến hành chiến tranh của chính quyền Nixon.

Henry Cabot Lodge (1902-1985)

Henry Cabot Lodge sinh ngày 5/7/1902 tại tiểu bang Massachusetts. Trong những năm 1924-1931, ông hoạt động trong ngành báo chí. Năm 1936 được bầu làm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và tái cử vị trí này năm 1942. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Cabot Lodge là thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên kể từ thời kỳ nội chiến ra phục vụ ở chiến trường. Thời kỳ này, ông hoạt động ở khắp châu Âu.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 7.

Henry Cabot Lodge.

Từ năm 1953, Cabot Lodge được cử làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho đến khi từ chức năm 1960. Cũng trong năm này, ông đã thất bại trong cuộc vận động để trở thành ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa.

Cabot Lodge từng hai lần làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn (lần thứ nhất 1963-1964 và lần hai 1965-1967). 1967-1968 là đại sứ lưu động của Mỹ. Tổng thống Richard Nixon đã bổ nhiệm Cabot Lodge làm trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ với Bắc Việt Nam tại Paris và nắm trọng trách này tới tháng 12/1969. Về sau, ông làm đặc phái viên của tổng thống Nixon tại tòa thánh Vatican (1970-1977).

William P. Rogers (1913-2001)

Ông xuất thân là luật sư và bắt đầu bước vào chính trường từ thời tổng thống Dwight D. Eisenhower: giai đoạn 1953-1957 làm phó tổng chưởng lý, thời kỳ 1957-1961 làm tổng trưởng lý; được bổ nhiệm làm bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Richard Nixon từ 1969 đến 1973. Ông nổi tiếng với “Kế hoạch Rogers” phục vụ việc ngừng bắn ở khu vực Trung Đông năm 1970.

8 nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973) gồm những ai? - Ảnh 8.

Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers.

Mặc dù là bạn thân và cũng là cố vấn cho tổng thống Richard Nixon trong nhiều năm, vai trò ngoại trưởng của ông William Rogers thường bị lu mờ bởi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger. Ông là người thay mặt chính phủ Mỹ đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem