Bán cả gà... tiêu huỷ
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại Trung Quốc (TQ), gà thải loại là gà khi nuôi đến độ tuổi nào đó, không đạt tiêu chuẩn thì bị người chăn nuôi loại ra. Các gà thải loại bao gồm: Gà đẻ, gà thịt, gà trống.
|
Phân loại gà lậu tại chợ Hà Vỹ (Hà Nội). |
Cũng theo báo cáo này, các địa phương có lượng cung và tiêu thụ gà thải loại lớn ở TQ nằm chủ yếu ở các tỉnh: Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô, Hồ Bắc… Kết quả tìm hiểu cũng cho thấy, gà thải loại TQ đưa sang Việt Nam được xếp vào nhóm gà đã khai thác hết trứng, có tỷ lệ tồn dư kháng sinh cao và thường bị loại ra khỏi các sản phẩm làm thực phẩm, bắt buộc phải tiêu hủy. Vì thế, giá bán của các loại gà thải loại này khi về đến biên giới Việt Nam chỉ ở mức 10.000 đồng/kg.
“Đúng ra, các sản phẩm này được TQ bắt buộc phải tiêu hủy, hoặc dùng chế biến thức ăn gia súc, nhưng trong quá trình mang đi chôn, một số thương lái của Việt Nam đã thu mua lại với giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg và đem vào nội địa tiêu thụ từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg” - báo cáo của Bộ Công Thương dần một nguồn tin tiết lộ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, việc nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm lậu đang gây tác động rất tiêu cực đối với sức khỏe người dân bởi lượng thuốc kháng sinh, các loại hóa chất tồn dư khác đều cao quá mức cho phép; nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao; phá hoại nền sản xuất, kinh doanh gia cầm trong nước; gây thất thu thuế.
Hà Nội sẽ kiểm soát 100% gà lậu
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trước tháng 8.2012, việc ngăn chặn gà thải kém hiệu quả, nhập lậu gà thải quy mô lớn (tại chợ Hà Vỹ là 80 tấn/ngày, tương đương 26.600 gà/ngày. Còn nếu tính cả năm thì có tới 8 triệu con gà thải loại TQ được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể gà giống không có phép nhập khẩu cũng được nhập với quy mô lớn. Từ sau tháng 8, các giải pháp cho thấy tỷ lệ gà nhập lậu đã giảm đáng kể nhưng lại không bền vững, ngành chức năng chỉ truy quét từng đợt cao điểm một vài tháng mà không duy trì được thường xuyên.
Theo kết quả xét nghiệm của Bộ NNPTNT, 60% mẫu gà thải loại từ TQ có virus cúm gia cầm và xét nghiệm của Bộ Y tế cũng cho thấy, 100% mẫu xét nghiệm có tồn dư kháng sinh vượt quá mức cho phép, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo dự thảo Đề án “Ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không được phép nhập khẩu” mà Bộ Công Thương đang xây dựng, việc ngăn chặn gà lậu sẽ được triển khai trong vòng 1 năm. Trong đó, từ ngày 15.12.2012 đến 15.2.2013 mở một đợt cao điểm, sau đó sẽ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung cho các đợt kế tiếp. Đề án cũng đưa ra yêu cầu phải kiểm soát và ngăn chặn việc nhập lậu ở các tỉnh biên giới, chỉ để lọt không quá 20-30% gà nhập lậu vào nội địa. Riêng Hà Nội, đến trước 31.3.2013 sẽ kiểm soát được 100% gà nhập lậu đưa vào tiêu thụ trên địa bàn.
Về đề án trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, từ nay đến hết năm 2013, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thí điểm thực hiện các giải pháp mạnh nhằm xử lý dứt điểm tình trạng gia cầm nhập lậu; đưa hoạt động này trở thành nền nếp, thường xuyên của các địa phương và các bộ ngành liên quan. Từ đó, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt cả mặt hàng hoa quả, thực phẩm khác khi nhập khẩu vào Việt Nam với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe người dân cả nước.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.