"80% khả năng BigC sẽ rơi vào tay người Thái"

Thứ tư, ngày 23/12/2015 10:28 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dự đoán, 80% khả năng BigC sẽ được công ty Thái Lan mua lại, giống như trường hợp của Metro trước đây.
Bình luận 0

Nhận định về câu chuyện hệ thống siêu thị thuộc BigC nằm trong kế hoạch đổi chủ của công ty mẹ Casino Group, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc mua bán của các thương hiệu trong hội nhập là điều bình thường. Ông Phú nhấn mạnh, điều trước hết để thương vụ này có thể thực hiện được là công ty phải minh bạch tài chính, thuế với Nhà nước, tránh đi vào vết xe đổ như Metro để việc đổi chủ "lần lữa mãi không thực hiện xong".

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk, cũng nhận định, thị trường không cần nặng nề chuyện đi hay ở của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, rất nhiều tập đoàn đến Việt Nam rồi lại đi khi họ kinh doanh không còn phù hợp, và điều đó là bình thường.

"Bán lẻ tại thị trường của Việt Nam hiện nay không đơn thuần chỉ có trao đổi hàng hóa mà còn là trải nghiệm. Các nhà bán lẻ phải hiểu và đáp ứng nhu cầu, thói quen mua sắm của người Việt Nam, là một điểm đến cho nhiều nhu cầu.

Người Việt Nam thích mua sắm quần áo cùng chỗ với mua dưa cà mắm muối. Ở đó, con họ lại có chỗ chơi, chồng uống cà phê…mà các nhà bán lẻ mới làm rất tốt điều này. Trong cuộc đua mới, nếu các nhà bán lẻ không đáp ứng được những tiêu chí này thì họ chuyển giao cho đơn vị khác, đó là điều bình thường theo quy luật thị trường", ông Khải đánh giá.

img

BigC Vietnam nằm trong kế hoạch chuyển nhượng tái cơ cấu nợ của tập đoàn mẹ Casino Group. Ảnh: Casino Group.

Dự đoán về đối tác có thể nhận chuyển nhượng thương vụ giá trị 800 triệu USD (theo như Bloomberg dẫn lời Bruno Monteyne, chuyên viên phân tích tại Sanford C. Bernstein), ông Phú cho rằng 70-80% thương vụ này có thể sẽ rơi vào tay một tập đoàn của Thái Lan.

Theo ông Phú, điều này đẩy các doanh nghiệp nội địa kinh doanh siêu thị vào cuộc đấu không cân sức, giữa một bên là các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... và một bên là những công ty quy mô còn khiêm tốn của Việt Nam.

"Các tập đoàn Thái Lan đã có ý đồ thâm nhập thị trường Việt Nam từ rất lâu, họ muốn mở rộng từ sản xuất đến phân phối. Nếu có được BigC, họ sẽ nắm trong tay hệ thống 32 điểm phân phối ở các khu vực trung tâm tại Việt Nam. Trong đó, nếu đối tác của thương vụ này là tập đoàn Berli Jucker (BJC), cùng với phần có được từ Metro, công ty này có thể nắm tới 51 siêu thị, và trở thành một đại hệ thống phân phối, có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường", Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nêu quan điểm. 

Không loại trừ khả năng có tập đoàn Việt Nam đủ sức mạnh tài chính để "ôm trọn" thương vụ này, ông Phú chỉ ra cái tên sáng giá nhất là Vingroup, khi công ty này liên tục mở rộng chuỗi siêu thị bán lẻ Vinmart và Vinpro. Tuy nhiên, vị này đánh giá, chỉ có 10-20% cơ hội cho đại diện Việt Nam chen chân vào kế hoạch chuyển nhượng nói trên. 

img

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Theo ông Vũ Vinh Phú, 80% giám đốc siêu thị Việt chưa qua học bán lẻ, trong khi xu hướng hội nhập sẽ khiến những cá nhân xuất sắc của thị trường gia nhập hàng ngũ của các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Ngoài nguy cơ về cạnh tranh trong khâu phân phối, ông Phú cũng chỉ ra rằng cả nhà sản xuất lẫn các công ty thuộc ngành bán lẻ cũng phải đối mặt với việc bị chèn ép về giá, hàng hóa bị đánh bật khỏi thị trường.

"Khi BJC mua Metro, đại diện công ty này từng tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong hệ thống siêu thị này, nghĩa là hàng Việt có thể sẽ bị đánh bật khỏi những đại siêu thị. Rất có thể, việc các đại gia Thái Lan nắm được hệ thống siêu thị rộng lớn ở Việt Nam sẽ giúp họ có thể hoàn thành được vòng chu trình, từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép không nhỏ với hàng trong nước, cũng như các nhà bán lẻ khác.

Một bài học chúng ta từng trải qua là Công ty CP của Thái Lan từng tăng giá trứng 2 lần trong vòng một tuần, bởi họ nắm tới 30-40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị. Nên nếu các doanh nghiệp này có thể năm tới 50-60 điểm phân phối lớn tại thị trường Việt Nam, thì đó sẽ là một thách thức lớn với doanhh nghiệp nội", ông Phú phân tích.

Thương vụ chủ sở hữu BigC là Tập đoàn Casino (Pháp) có kế hoạch chuyển nhượng tài sản siêu thị này ở Việt Nam xuất hiện từ tuần trước. Theo đó, động thái này được cho là nằm trong kế hoạch giảm gánh nặng tài chính trị giá khoảng 2 tỷ euro của tập đoàn trên. 

Bloomberg dẫn lời Bruno Monteyne, chuyên viên phân tích tại Sanford C. Bernstein cho biết, giá trị khoản chuyển nhượng các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Casino có thể lên tới 750 triệu EUR (khoảng 810 triệu USD). 

Không đưa ra bình luận về mức giá, trao đổi với Zing.vn, đại diện truyền thông BigC Việt Nam chi rằng, việc Casino Group bán tài sản của BigC là bình thường vì thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán ở Pháp. Vị này khẳng định, dù có đổi chủ hay không thì hoạt động của BigC cũng không bị ảnh hưởng.

Hạ Minh (Zing.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem