Tờ Nhật báo Hải Nam dẫn lời đại diện Sở Ngư nghiệp và Hải dương Hải Nam, Trung Quốc cho biết, tỉnh này sẽ đẩy mạnh khai thác nghề cá trên Biển Đông, cái gọi là “ngư trường Tam Sa”, hướng dẫn ngư dân Trung Quốc đóng tàu lớn, tổ chức đánh bắt xa bờ ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Trung Sa”.
|
Gần 9.000 tàu cá Trung Quốc đổ ra Biển Đông kể từ trưa 1.8. |
Từ ngày 31.7, rất nhiều tàu cá Hải Nam đã tụ tập về các cảng cá ở đảo Hải Nam, chuẩn bị xăng dầu, tích trữ lương thực. Theo trang Sina.com, trong lần ra khơi này, có khoảng 8.994 tàu cá với 35.611 ngư dân. Tuy nhiên hiện chưa rõ những khu vực cụ thể các tàu này sẽ đánh bắt trên Biển Đông.
Lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông năm 2012 mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ngày 15.5 vừa qua là lệnh cấm đánh cá lần thứ 14 được thực thi trên Biển Đông, có hiệu lực từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8. Lệnh cấm bắt cá đơn phương này của Trung Quốc ngay tức khắc đã bị Việt Nam và Philippines bác bỏ. Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định rằng, hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối, nói rằng quyết định của Trung Quốc là “đơn phương” và “không có giá trị”.
Ông Lương Thanh Nghị nói: “Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm”.
Trong một diễn biến khác, ảnh chụp từ vệ tinh của Quân đội Philippines ngày 1.8 cho thấy, Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường sự hiện diện của họ tại các bãi đá ngầm tranh chấp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Những bức ảnh cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở mới, trong đó dường như có cả một sân bay trực thăng, thiết bị viễn thông hiện đại ở cơ sở nằm trên vùng biển tranh chấp ngoài khơi phía tây Philippines, đặc biệt là ở bãi Subi, bãi Chữ Thập và bãi Vành Khăn.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.