Người được nhắc đến là Nguyễn Minh Quốc, sinh năm 1989, trú thôn Gia Môn, xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Nguyễn Minh Quốc cho biết, nếu chăm chỉ, tỉ mẩn chăm sóc và có đầu ra đảm bảo thì nuôi thỏ sẽ hiệu quả cao. Ảnh: Ngọc Vũ
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi thỏ sau vườn nhà, Quốc cho biết, nơi đây được gọi là Dốc Miếu, quân đội Mỹ từng lập hàng rào điện tử Mcnamara và ví von là “con mắt thần” bất khả chiến bại của Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, bà con nhân dân vượt qua bom đạn, cần cù chịu khó, cải tạo vườn tạp, trồng cao su, hồ tiêu…để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Nói về mình, Quốc cho biết, từng học nghề nhôm kính rồi làm việc ở thị trấn Gio Linh, cách nhà 2 km. Sau 2 năm, thấy nghề nhôm kính thu nhập thấp, Quốc quyết định rời quê hương, vào “thành phố đáng sống” – Đà Nẵng làm thuê cho một công ty chuyên cung cấp hải sản đông lạnh.
Chuồng nuôi thỏ có hệ thống nước uống tự động, lồng sắt cao cách mặt đất khoảng 60cm, thường xuyên được Minh Quốc quét dọn đảm bảo vệ sinh. Thỏ là loại ăn tạp lá cây, nhưng lá phải khô, sạch mới đảm bảo thỏ không đau bụng. Ảnh: Ngọc Vũ
Thời gian trôi đi cho đến một ngày đầu năm 2015, khi Quốc vào Youtube tình cờ xem chương trình giới thiệu mô hình nuôi thỏ thương phẩm của một chủ trại thỏ tên Cường, ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Thấy anh Cường nuôi hiệu quả, Quốc nãy ý định làm theo.
Từ đó, ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật Quốc leo lên chiếc xe máy cà tàng vượt gần 20 km từ trung tâm TP.Đà Nẵng đến nhà anh Cường làm việc không công để học nghề nuôi thỏ.
Sau 1 năm, với số kiến thức hòm hòm, Quốc quyết định bỏ 3 triệu đồng mua 10 cặp thỏ mẹ mang về nhà đóng chuồng thả nuôi. Dù chăm chút rất kỹ nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên 5 cặp thỏ mẹ vẫn “ra đi” không bao giờ trở lại.
Tuy quy mô còn khiêm tốn, nhưng trại thỏ của Minh Quốc là nơi học tập của nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Vũ
Tuy vậy, với nghị lực của người con “đất thép”, Minh Quốc đã tiếp tục tìm đọc thêm sách báo, lên mạng xã hội học thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thỏ, quyết không bỏ cuộc.
Nhờ vậy, đến nay trại thỏ của Quốc đã có 35 thỏ mẹ. Mỗi thỏ mẹ sinh sản khoảng 50 – 60 thỏ con/năm (7 – 8 lứa/năm, mỗi lứa 8-9 con). Thỏ con sinh ra đều được Minh Quốc nuôi lớn bán thịt.
Chàng trai đất lửa Quảng Trị cho hay, 1kg thỏ hiện có giá 75.000 – 85.000 đồng, mỗi tháng sau khi bán thỏ thịt, trừ chi phí Minh Quốc lãi 3 - 5 triệu đồng.
Cùng với nuôi thỏ, tận dụng mặt bằng, vườn tược, mỗi năm Minh Quốc còn thả nuôi khoảng 5.000 con gà ta lai, gà lai nòi cho lãi khoảng 90 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Minh Quốc cho hay, hai giống gà ta lai, gà nòi kai trên được thị trường ưa chuộng, đặc biệt ở các tiệc đám cưới, nhà hàng… Thêm vào đó, 2 giống gà này có sức sống tốt, chóng lớn, nuôi khoảng 3 tháng có thể xuất bán.
Cán bộ đoàn của xã, huyện đến thăm, động viện Minh Quốc có gắng phát huy tinh thần mạnh dạn khởi nghiệp của mình. Ảnh: Ngọc Vũ
Thấy Minh Quốc là thanh niên trẻ có ý chí, mô hình chăn nuôi có tiềm năng nên mới đây Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Gio Linh cho Quốc vay thêm 50 triệu đồng tín dụng ưu đãi.
“Mình vay thông qua kênh tín chấp của Đoàn thanh niên, lãi suất ưu đãi. Mình đang mở rộng trại gà, đầu tư hệ thống nuôi có quy mô hơn, tiến tới tự động hóa để hiệu quả chăn nuôi cao hơn” – Minh Quốc nói.
Ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch UBND xã Gio Phong cho hay, mô hình hay của Nguyễn Minh Quốc không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo động lực, niềm tin để mọi người học hỏi, xây dựng thêm nhiều mô hình khác có hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.