Rơm rạ xưa vứt vạ vứt vật, nay nông dân Hải Dương "biến" thành loại hàng cả làng thích

Nguyễn Việt Thứ sáu, ngày 22/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Mấy năm trở lại đây, rơm rạ sau thu hoạch lúa đã được nông dân Hải Dương thu gom làm nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi. Việc này đã góp phần đưa loại phụ phẩm bị đốt bỏ tại ruộng trở thành một hàng hoá hữu ích đa tầng, đa giá trị trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Bình luận 0

Thu gom rơm làm nghề mưu sinh

Ông Trần Văn Kim, 61 tuổi, thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương làm nghề thu gom rơm rạ đã 7 năm. Năm 2 vụ lúa, cứ sau khi người dân thu hoạch là ông Kim cùng với công nhân đi khắp các cánh đồng ở trong huyện, trong tỉnh, thậm chí cả ngoài tỉnh để thu gom rơm rạ.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 1.

Ông Kim ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đến với nghề dịch vụ thu gom rơm rạ xuất phát từ nhu cầu sản xuất của gia đình. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Kim kể, cơ duyên đến với "nghề" thu gom rơm rạ này xuất phát từ nhu cầu cần rơm để phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình. Bởi, trước đây gia đình ông Kim có nhiều diện tích trồng màu như cà rốt và các loại cây trồng khác. Không chỉ trồng ở địa phương, ông còn đi khắp nơi thuê ruộng, đất để sản xuất.

Trong quá trình sản xuất, ông Kim cần một lượng lớn rơm rạ phủ lên mặt ruộng để giữ ẩm cho hạt nảy mầm và giữ ẩm cho đất để cây sinh trưởng, phát triển. Mỗi khi chuẩn bị mùa vụ cà rốt hay cây rau màu, ông Kim thường phải tất bật đi khắp nơi trong, ngoài huyện để xin rơm rạ của các hộ dân sau khi thu hoạch lúa để về phục vụ sản xuất, giữ ẩm cho cây trồng.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 2.

Ông Kim đầu tư xây dựng kho chứa rơm, máy cuộn rơm cho việc thu gom rơm thuận tiện hơn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Không chỉ gia đình ông Kim mà nhiều hộ dân ở quê ông đều trồng cà rốt nên nhu cầu rất lớn về rơm rạ để phục vụ sản xuất cây cà rốt, rau màu. Vì vậy, cứ mỗi đến vụ cà rốt, rau màu, cũng như ông Kim, nhiều người dân quê ông cũng phải tất bật đi xin rơm rạ về phục vụ sản xuất.

Xuất phát từ nhu cầu đó, năm 2017 ông Kim chính thức bước vào "nghề" thu gom rơm rạ. Ông đầu tư máy móc, phương tiện, xây dựng nhà kho chứa rơm.

Cứ sau khi người dân thu hoạch lúa xong, ông Kim lại đến xin thu gom rơm rạ. Ban đầu ông thu gom rơm ở các xã trong huyện Cẩm Giàng. Dần dần, ông mở rộng thu gom rơm ở các huyện trong tỉnh, rồi sang các tỉnh lân cận. Thậm chí, ông còn đặt mua rơm ở tận các tỉnh miền Trung. Nguồn rơm thu được, ông mang về để phục sản việc sản xuất của gia đình và bán cho người dân quê ông để họ dùng vào việc trồng cà rốt, rau màu.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 3.

Xe chở rơm đến tận vườn, ruộng để nông dân dùng trong việc sản xuất rau màu, cà rốt. Ảnh: Nguyễn Việt.

Không dừng lại ở việc cung cấp rơm rạ cho người dân quê mình trồng rau, ông Kim còn cung cấp rơm cho các trang trại trồng nấm rơm, trang trại nuôi bò ở trong và ngoài tỉnh. Hiện ông đang cung cấp hàng trăm tấn rơm cho một trang trại nuôi bò lớn ở tỉnh Bắc Ninh làm thức ăn cho bò.

Hiện nay, mỗi năm ông Kim cung cấp cho nông dân trồng cà rốt, rau màu, làm thức ăn nuôi bò hơn 20.000 cuộn rơm, tạo việc làm cho từ 5 – 7 lao động.

Từ phụ phẩm bị đốt tại ruộng trở thành hàng hoá đa tầng, đa giá trị 

Nói về giá trị của rơm rạ, một phụ phẩm sau thu hoạch lúa gắn bó với đời sống của người dân ở vùng nông thôn, ông Lê Quý Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng cho biết, bao đời nay, rơm rạ thu được sau thu hoạch lúa được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất của người nông dân.

Ngày xưa, rơm rạ được người nông dân tận dụng để làm nhiều các công việc khác như làm nhà, làm chất đốt, nguyên liệu phủ mặt ruộng trong trồng cây rau màu, ủ với phân chuồng để làm phân bón ruộng, làm thức ăn cho trâu, bò. Do đời sống xã hội phát triển, người dân không còn dùng rơm rạ nên bà con thường đốt ngay tại ruộng.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 4.

Những khách hàng đặt hàng ở xa, ông Kim thường cuộn rơm và chở giao cho khách mua ngay. Còn lại ông cho chất vào kho để giao cho khách ở gần. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Quỳnh cũng cho rằng, việc đốt rơm rạ tại ruộng gây ra khói mù mịt, tro bay lên ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, thậm chí những khu ruộng gần đường giao thông, khi người dân đốt rơm rạ, khói bay lên đường tiềm ẩn gây nguy cơ tai nạn giao thông.

Những năm gần đây, ở huyện Cẩm Giàng đã có nhiều nông dân làm dịch vụ gặt máy kết hợp thu gom rơm để bán cho những nơi người dân trồng cây rau màu vụ đông, trồng cà rốt, hành tỏi, trồng nấm, hay bán cho những trang trại chăn nuôi bò để làm thức ăn.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 5.

Ở Hải Dương những cây trông vụ đông như cà rốt, hành, tòi, rau củ, rau gia vị khi gieo hạt trồng thường được nông dân dùng rơm phủ lên mặt luống để giữ ẩm cho đất, tạo điều kiện cho hạt dễ nảy mầm và sinh trưởng, phát triển. Ảnh: Nguyễn Việt.

Việc thu gom rơm để tái sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đốt rơm tại ruộng, góp phần đem lại môi trường trong lành cho người dân vùng nông thôn.

Ông Quỳnh cũng nói thêm, nhu cầu sử dụng rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Cẩm là rất lớn. Bởi trong huyện có một số địa phương như xã Đức Chính, Cẩm Văn… người dân trông cây cà rốt, rau màu với diện tích lớn nên sử dụng rơm rạ rất nhiều. Lượng rơm rạ sau thu hoạch lúa của các địa phương này không đủ cho người dân sử dụng trong việc trồng rau màu, cà rốt.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 6.

Những cánh đồng cà rốt ở Cẩm Giảng lên xanh tốt nhờ có lớp rơm giữ ẩm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Vì vậy, mỗi khi vào vụ cà rốt, rau màu nông dân các địa phương này thường phải đi đến các địa phương khác trong và ngoài huyện để xin rơm, gom rơm mang về phục vụ sản xuất cây rau màu, cây cà rốt.

Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chính cho biết, trung bình mỗi sào cà rốt hay rau màu cần tới từ 1 – 1,5 tạ rơm. Mỗi hộ trồng cà rốt, rau màu ở Đức Chính thường sử dụng hàng tấn rơm/năm.

Trong khi đó, xã Đức Chính có hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 30 ha cấy lúa, 290 ha trồng cà rốt, rau màu. Với 30 ha cấy lúa, không đủ cung cấp rơm rạ cho việc trồng cà rốt nên người dân phải đi xin rơm, mua rơm khắp nơi về phục vụ cho việc gieo trồng cà rốt, rau màu.

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện tại ở địa phương có 5 – 6 hộ làm dịch vụ chuyên đi thu gom rơm để mang về cung cấp cho người dân địa phương dùng để phục vụ sản xuất cây rau màu, cà rốt.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 7.

Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng nói về nhu cầu sử dụng rơm rạ trong sản xuất cây rau màu, cây cà rốt của người dân trong xã. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, Hải Dương là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất vụ đông lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng, với hàng chục nghìn ha.

Những năm gần đây, Hải Dương luôn duy trì diện tích canh tác cây vụ đông từ 21.000 - 22.000 ha. Hải Dương tập trung phát triển các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: vùng hành, tỏi hơn 6.200 ha ở thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách; vùng cải bắp, su hào, sup lơ khoảng 4.100 ha ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện và TP Hải Dương; vùng trồng cà rốt có diện tích gần 1.300 ha ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh... Đây là những loại cây trồng cần sử dụng nhiều rơm trong quá trình sản xuất.

Nông dân Hải Dương biến rơm rạ thành hàng hoá hữu ích trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn- Ảnh 8.

Nông dân trồng cà rốt ở Đức Chính chăm sóc diện tích cà rốt đang phát triển mạnh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ngoài ra, nông dân trong tỉnh Hải Dương còn sử dụng rơm làm nguyên liệu trong trồng nấm, làm thức ăn trong chăn nuôi trâu, bò, làm đồ thủ công mỹ nghệ…

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, ở Hải Dương đã hình thành dịch vụ thu gom rơm rạ để phục vụ và đáp ứng nhu cầu này. Theo tìm hiểu, hầu như ở địa phương nào trong tỉnh Hải Dương cũng có người làm dịch vụ thu gom rơm rạ.

Từ phụ phẩm sau thu hoạch lúa và thường bị đốt bỏ ngay tại ruộng, vừa gây lãng phí, vừa gây ảnh hưởng đến môi trường, hiện nay nông dân ở Hải Dương đã đưa rơm rạ đã trở thành một hàng hoá hữu ích đa tầng, đa giá trị trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem