9 ôtô bị thiêu trong vụ cháy gara ở Hà Nội, ai phải bồi thường?

Quang Trung Thứ năm, ngày 08/06/2023 06:26 AM (GMT+7)
Bạn đọc đặt câu hỏi, có 9 ôtô bị hư hại trong vụ cháy tại gara ôtô trên đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, vậy ai phải bồi thường thiệt hại?
Bình luận 0

8 ôtô bị thiêu rụi hoàn toàn và một xe bị cháy một phần

Liên quan vụ cháy tại garage ôtô trên đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn vào chiều 5/6, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, có 9 chiếc xe bị thiêu trong sự cố. Trong đó, 8 ôtô bị thiêu rụi hoàn toàn và một xe bị cháy một phần.

9 ôtô bị thiêu trong vụ cháy gara ở Hà Nội, ai phải bồi thường? - Ảnh 1.

Một chiếc Mercedes bị cháy. Ảnh: VTC

"Gara này làm nội thất cho ôtô, phía trong có nhiều lốp nên ngọn lửa bùng lên nhanh. Các ôtô trên bị thiêu rụi, nhiều xe cháy trơ khung, không rõ cả biển số, khó để nhận biết nhãn hiệu", vị này nói và cho biết không có thương vong trong sự cố trên.

Trước đó, khoảng 18h ngày 5/6, Công an quận Nam Từ Liêm nhận tin báo cháy tại Trung tâm Chăm sóc xe hơi Carplus tại số 318 đường Nguyễn Văn Giáp.

Khu xưởng này rộng khoảng gần 300 m2, cao một tầng, phía trên quây tôn. Ngọn lửa sau đó bùng lên nhanh và lan sang khu trọ bên cạnh khoảng gần 200 m2.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Nam Từ Liêm đã điều động xe chữa cháy cùng hàng chục cảnh sát đến hiện trường dập lửa. Tới 19h30 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Ai phải bồi thường?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính cho biết, vụ hỏa hoạn gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Vì vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh nguyên nhân của vụ cháy là gì, có vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hay không, thậm chí có hành vi cố ý hủy hoại tài sản hay không để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp qua xác minh có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, gây thiệt hại lớn về tái sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự.

Đối với tội danh này, nếu gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, người vi phạm sẽ bị phạt sẽ từ 5 đến 8 năm tù, còn nếu gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, khung hình phạt sẽ từ 7 đến 12 năm tù.

Còn trường hợp xác định đươc có người cố ý đốt, chủ ý gây nên vụ hỏa hoạn, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Hủy hoại tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự.

Theo luật sư Khuyên, ngoài trách nhiệm hình sự, người liên quan đến các tội danh nêu trên phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cơ sở kinh doanh, cho chủ xe ôtô bị cháy theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nếu trường hợp xác định nguyên nhân cháy là do yếu tố khách quan, chủ cơ sở và nhân viên tại đây đã đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, chủ cơ sở và nhân viên thực hiện đúng các quy trình nghiệp vụ trong chăm sóc, bảo dưỡng xe ôtô, việc xảy ra cháy là do khách quan, thì hoàn toàn không có dấu hiệu tội phạm. Lúc này chỉ đặt ra trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại.

Việc bồi thường thiệt hại lúc này được dựa trên nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.

Khoản bồi thường bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Trường hợp, nếu do người làm công tại cơ sở gây ra, chủ cơ sở sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các chủ xe theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự.

Sau khi chủ cơ sở bồi thường thiệt hại cho các chủ xe, nếu xác định nguyên nhân vụ cháy có trách nhiệm của người làm công, nhân viên của họ gây ra, chủ cơ sở có quyền yêu cầu những người làm công phải hoàn trả lại một khoản tiền theo quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem