9 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ phân bón Phú Mỹ đạt trên 980.000 tấn

Phương Anh Thứ hai, ngày 30/10/2023 18:59 PM (GMT+7)
Lượng tiêu thụ phân bón Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 980.000 tấn, tăng hơn 100.000 tấn, tương đương tăng 12% so với lượng tiêu thụ 877.000 tấn của cùng kỳ năm 2022.
Bình luận 0

Trong đó, sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ tiêu thụ được trên 690.000 tấn, cao hơn 50.000 tấn so với cùng kỳ 2022.

Đây là kết quả kinh doanh có thể nói là khả quan trong tình hình khó khăn chung của thị trường. Bởi, tại thị trường trong nước, 9 tháng đầu năm là giai đoạn rất khó khăn khi giá các mặt hàng phân bón liên tục giảm, trong khi nguồn cung dồi dào, đặc biệt là từ nguồn phân bón nhập khẩu giá rẻ từ Nga, Belarus…

Nhiều giải pháp vượt lên khó khăn của PVFCCo

Trước tình hình khó khăn chung của thị trường phân bón, thời gian qua PVFCCo đã có nhiều nỗ lực và giải pháp như tập trung cho công tác bảo dưỡng Nhà máy Đạm Phú Mỹ để hoàn thành vượt kế hoạch, giảm thời gian dừng máy, nhờ đó mà nguồn cung từ sản xuất của Nhà máy được đảm bảo.

9 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ phân bón Phú Mỹ đạt trên 980.000 tấn - Ảnh 1.

Sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ tiêu thụ được trên 690.000 tấn, cao hơn 50 ngàn tấn so với cùng kỳ 2022.

Cụ thể, mới đây Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã cán mốc sản lượng 15 triệu tấn Ure sau gần 20 năm hoạt động. Theo đó, nếu tính từ thời điểm cho tấn sản phẩm đầu tiên ngày 15/6/2004 và theo công suất thiết kế ban đầu của dự án là 740.000 tấn/năm thì Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt mốc sản lượng 15 triệu tấn sớm hơn 1 năm, tương đương hoạt động liên tục vượt 5% công suất thiết kế trong suốt hai mươi năm liền.

"Mốc sản lượng 15 triệu có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ vận hành, bảo dưỡng có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, khả năng sớm làm chủ công nghệ, giúp nhà máy vận hành ổn định và liên tục", ông Nguyễn Văn Nhung, Phó Giám đốc nhà máy phụ trách sản xuất và KHCN chia sẻ.

Chưa kể, PVFCCo cũng linh hoạt các chính sách bán hàng, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng, tăng cường ứng dụng số trong sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, không thể không kể đến các sáng kiến của đội ngũ cán bộ, công nhân viên PVFCCo trong sản xuất. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, Nhà máy Đạm Phú Mỹ có tổng cộng 1.608 sáng kiến hợp lý hóa được áp dụng thành công với giá trị làm lợi khoảng gần 300 tỷ đồng. Trong số đó có khoảng 20 sáng kiến được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp công nhận là những sáng kiến lớn, có giá trị làm lợi cao.

"Nhà máy hiện còn có hàng nghìn ý tưởng khả thi nhưng chưa được triển khai thành sáng kiến và đưa vào áp dụng. Trong tương lai, đây sẽ là nguồn dự trữ ý tưởng quan trọng để nhà máy tiếp tục phát triển thành sáng kiến hợp lý hóa sản xuất", đại diện PVFCCo, thông tin.

Ngoài ra, để có được sự hoạt động ổn định trong các năm qua và trong tương lai, một yếu tố tiên quyết là nhà máy có được nguồn cung ổn định khí tự nhiên - nguyên liệu đầu vào chủ chốt. Đây là sự quan tâm và nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc đảm bảo nguồn cung khí cho các nhà máy sản xuất phân đạm, trong đó có Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Trong quý IV/2024, PVFCCo tiếp tục đặt mục tiêu vận hành sản xuất kinh doanh ổn định và sẽ đưa ra thị trường trên 300.000 tấn phân bón các loại.

Tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn

9 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ phân bón Phú Mỹ đạt trên 980.000 tấn - Ảnh 2.

Phân bón Phú Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 980.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, giá phân ure trong thời gian tới trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ: Tính chất mùa cao điểm vào nửa cuối năm; giá các loại nông sản tăng lên sẽ kích thích nông dân mở rộng sản xuất và tăng sử dụng phân bón; và Trung Quốc đã tạm dừng xuất khẩu phân ure từ đầu tháng 9/2023 để bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa.

Đáng chú ý, Ấn Độ đang mở rộng diện tích trồng lúa và mía để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo và đường do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Lúa là cây lương thực được trồng nhiều nhất tại Ấn Độ và cũng là loại cây sử dụng phân ure nhiều nhất tại nước này. Do vậy, việc mở rộng diện tích trồng lúa và mía sẽ khiến tổng cầu về phân ure của Ấn Độ tăng lên. Chưa kể, Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ phân ure lớn thứ hai thế giới, chiếm 17% tổng nhu cầu toàn cầu trong năm 2021. 

Điều này được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ đà phục hồi của giá phân ure thế giới, kéo theo đó là giá phân ure tại Việt Nam.

SSI Research vừa dự báo mức lãi ròng của Đạm Phú Mỹ trong cả năm 2023 sẽ đạt 1.080 tỷ đồng, giảm 81% so với mức cao kỷ lục trong năm 2022. Nhưng trong năm 2024, lãi ròng của doanh nghiệp phân bón này có thể tăng tới 91%, lên mức 2.060 tỷ đồng – cao hơn đáng kể so với mức lãi ròng của giai đoạn 2015 – 2020 khi giá ure chỉ dao động trong khoảng 6.500 – 7.000 đồng/kg.

Mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm 2024 của Đạm Phú Mỹ chủ yếu đến từ việc kỳ vọng giá phân ure trong năm sau sẽ đạt trung bình 11.000 đồng/kg, tăng 16% so với mức trung bình 9.500 đồng/kg của năm 2023. Hiện giá phân ure trên thị trường đạt trung bình 11.500 đồng/kg.

Đồng thời, SSI Research cũng kỳ vọng sản lượng tiêu thụ phân ure và phân NKP của Đạm Phú Mỹ trong năm 2024 sẽ lần lượt tăng 3% và 25% so với năm 2023 do nhà máy của doanh nghiệp này không phải tiến hành bảo dưỡng.

Hiện, Nhà máy Ure của Đạm Phú Mỹ đang hoạt động với công suất 85% - 100% nên kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá phân ure; đồng thời, biên lợi nhuận mảng thương mại phân bón sẽ được cải thiện rõ rệt khi giá bán phục hồi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem