Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Lê Thanh Hưng - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc VRG cho biết, trong nửa đầu năm nay, do các yếu tố khách quan về biến đổi khí hậu, đặc biệt là nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch và tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số khu vực và giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng nên kết quả kinh doanh của VRG không cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, bước vào quý III/2024 đến nay, khi cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm cộng với diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực hơn so với dự báo kế hoạch do nguồn cung suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và nhu cầu mua tăng lên hơn từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ nên mảng kinh doanh chính, cốt lõi trong lĩnh vực cao su của VRG nhận được nhiều thuận lợi.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, GVR ghi nhận doanh thu và thu nhập khác hợp nhất đạt 16.207 tỷ đồng, thực hiện được 65% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 2.386 tỷ đồng, thực hiện được 69% mục tiêu năm. Tính riêng quý III, lợi nhuận sau thuế của GVR ước đạt 801 tỷ đồng, tăng 62% so với quý III/2023.
GVR ước tính cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất có thể đạt 26.307 tỷ đồng (bằng 105,23% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế 3.746 tỷ đồng. "Tập đoàn ước tính hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đại hội đồng cổ đông giao từ 5-9%" - Tổng Giám đốc VRG Lê Thanh Hưng nói.
Tại Công ty mẹ – Tập đoàn, 9 tháng đầu năm 2024 tổng doanh thu đạt 2.413 tỷ đồng lợi nhuận 1.011 tỷ đồng; ước tính cả năm 2024, Công ty mẹ – Tập đoàn doanh thu khoảng 4.287 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 1.670 tỷ đồng, vượt gần 15% kế hoạch được giao.
Nhận định về năm 2025, lãnh đạo GVR cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Tập đoàn kỳ vọng năm sau, doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.490 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.632 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 3.900 tỷ đồng.
Ông Lê Thanh Hưng cũng cho biết, bên cạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh truyền thống, VRG sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực đầu tư ngoài cao su theo chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện), bất động sản khu công nghiệp…
VRG có địa bàn hoạt động rất rộng, trải dài khắp cả nước và sang nước bạn Lào, Campuchia. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu đang thúc đẩy giá cao su tăng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của VRG.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tiếp tục hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu/tấn xuống 14,50 triệu/tấn do tác động của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina, và bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mủ cao su.
Đồng thời, các hộ nông dân cao su tiểu điền ở cả ba quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia, và Malaysia vẫn chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại do thiếu hụt lao động cũng như xuất hiện nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
ANRPC cảnh báo tình trạng trên có thể kéo dài tới năm 2028 khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt khoảng 600-800.000 tấn cao su/năm. Các hộ nông dân cao su tiểu điền đang chiếm đến 85% tổng nguồn cung cao su tự nhiên trên thế giới.
Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi đất cao su được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cao su trong trung và dài hạn.
Về phía nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15,67 triệu tấn lên 15,75 triệu tấn với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc dần phục hồi bởi chính phủ nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Với việc sở hữu hơn 394.700 ha đất trồng cao su trải khắp các tỉnh thành, VRG hiện là đơn vị chi phối chủ chốt thị trường cao su tự nhiên tại Việt Nam. Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, giá cao su bình quân năm nay của VRG dự kiến đạt 36,8 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023. Sản lượng tiêu thụ cả năm nay ước đạt khoảng 500.000 tấn.
Theo đó, doanh thu riêng mảng cao su năm nay của VRG ước đạt 18.347 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp mảng này dự báo sẽ đạt 29%, tăng mạnh so với mức 22% của năm 2023. Hiện mảng sản xuất cao su đóng góp từ 40 - 60% tổng lợi nhuận VRG.
Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VRG năm nay dự báo đạt 5.564 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2023, theo Chứng khoán MB.
Trong khi đó, theo ước tính của SSI Research, giá cao su cứ tăng 1% thì lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của VRG sẽ tăng thêm 0,22%, tạo động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh chung của tập đoàn này.
Được biết, VRG đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp với tổng diện tích là gần 23.500 ha, hiện đang triển khai gần 11.000 ha tại loạt địa phương phía Nam như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong dài hạn, việc chuyển đổi đất trồng cao su sang đất KCN sẽ giúp GVR ghi nhận lợi nhuận đáng kể.
Với việc đang vận hành 16 khu công nghiệp có tổng diện tích đất hơn 6.500 ha, VRG hiện đang là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp của VRG đạt 73% và hiện còn khoảng 1.260 ha đất thương phẩm, sẵn sàng cho khai thác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.