9.000 giáo sư... và chiếc vít

Thứ hai, ngày 17/09/2012 19:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tháng trước, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ KHCN, tổ trưởng tổ biên tập Dự án Luật khoa học công nghệ đã có câu nói để đời: Cơ chế tài chính (cho nghiên cứu khoa học) này buộc người ta nói dối, chấp nhận cho người ta nói dối...
Bình luận 0

Tuần rồi, khi dự án luật này được đưa ra thảo luận, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đánh giá 2% GDP cho nghiên cứu khoa học, công nghệ vừa “ở mức thấp” và vừa “sử dụng lại còn không hiệu quả”.

Với hơn 9.000 giáo sư, phó giáo sư, hàng trăm ngàn tiến sĩ và vô số thạc sĩ, Việt Nam là quốc gia “khủng” xét về số lượng học hàm học vị. Ấy thế mà trong suốt giai đoạn 2006-2010, chúng ta chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Đến 2011, dư luận sốc nặng khi không có một tấm bằng sáng chế nào có xuất xứ từ Việt Nam dù đội ngũ GS, TS ngày càng “trùng trùng điệp điệp”.

Chỉ trước khi lời than thiếu tiền (cho khoa học, công nghệ) cất lên trên diễn đàn QH vài hôm, một tờ báo kể về câu chuyện ông Nguyễn Kim Chính - một nông dân ở Bình Định hôm 13.9 đã công bố sáng chế máy tuốt đậu phộng “chưa từng có ở Việt Nam”. Đây đã là sáng chế của người nông dân “lớp 7 trường làng” với liền trước đó là chiếc máy gặt lúa, đã bán được hơn 200 chiếc, cho cả đối tác nước ngoài.

Thế các giáo sư, tiến sĩ ở đâu và đang làm gì? Không ít trong số họ đang làm “thợ giảng”, chạy sô các khóa đào tạo…tiến sĩ. Hoặc cũng nghiên cứu khoa học, nhưng với những đề tài khiến cho khối người “té ghế”, như “tắm giặt cho chiến sĩ miền núi”…

Theo số liệu của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trưởng của QH, Việt Nam có hơn 5 vạn cán bộ nghiên cứu khoa học đang “nghiên cứu” trong hơn 1.100 viện, cơ sở nghiên cứu các loại. Nhưng rút cục, đến cái máy tuốt lạc, nông dân vẫn cứ phải trông vào một “nhà nghiên cứu” nghiệp dư không phải giáo sư, cũng chẳng tiến sĩ khi mà nền công nghiệp của một đất nước đông giáo sư, tiến sĩ như Việt Nam - thậm chí còn không làm nổi một chiếc vít, theo đúng nghĩa đen của từ này, cho Canon Việt Nam.

Chuyện nghiên cứu cái máy tuốt lạc ở Bình Định hay con vít cho Canon, có lẽ không đơn thuần vì ít tiền, vì thiếu tiền. Bởi sự “chất đống trong kho” của các nghiên cứu khoa học, bỏ mặc khoảng trống mênh mông ngoài thực tế, suy cho cùng là vì ít nhiệt huyết và thiếu trách nhiệm của các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, với những đồng tiền nghiên cứu, dù còn ít ỏi, nhưng là tiền thuế mồ hôi, nước mắt của không ít người trong đó là nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem