Agribank giúp Tây Nguyên giảm nghèo

Nguyễn Minh Thứ ba, ngày 12/08/2014 15:06 PM (GMT+7)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa chỉ định Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) làm ngân hàng phục vụ cho Dự án “Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Người nghèo ở khu vực Tây Nguyên sắp được tiếp thêm lực để thoát nghèo…
Bình luận 0

Cải thiện sinh kế ở xã nghèo

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay trong toàn vùng còn khoảng gần 20% số hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 74%... Cách đây 5 năm, công tác xóa đói cho người dân ở Tây Nguyên đã được thực hiện quyết liệt. Tình trạng thiếu ăn trong những tháng giáp hạt hàng năm của cộng đồng dân tộc thiểu số không còn xảy ra. Số hộ thoát nghèo ngày càng tăng và đang có chiều hướng vươn lên làm giàu. Có tỉnh như Gia Lai, bình quân mỗi năm giảm nghèo từ 4-5% (tương đương từ 8.000-9.000 hộ)…

Ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên” là dự án giảm nghèo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực này, có ý nghĩa, giá trị rất thiết thực. Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống thông qua cơ hội cải thiện sinh kế ở các xã nghèo bằng cách: Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng tính tự chủ và cơ hội sinh kế trên cơ sở củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện để thúc đẩy sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; nâng cao năng lực cán bộ các cấp để thực hiện hiệu quả của dự án.

Giảm nghèo bằng cơ chế đặc thù

Theo lãnh đạo Agribank, mục tiêu chủ yếu của dự án là sẽ có khoảng 540.000 người ở 26 huyện và 130 xã nghèo được hưởng lợi; có ít nhất 20% số người nghèo hài lòng về các ưu tiên phát triển của họ được dự án đáp ứng; tiêu dùng lương thực và phi lương thực của các hộ hưởng lợi tăng tối thiểu 10%; tăng ít nhất 20% hộ nghèo được tiếp cận các loại hình dịch vụ, tiện ích và cơ sở hạ tầng.

Thực hiện dự án, sẽ thúc đẩy phân cấp, trao quyền thông qua giao cấp xã làm chủ đầu tư hầu hết các hoạt động; khuyến khích các đơn vị thi công sử dụng lao động địa phương tại chỗ và nhất là khuyến khích hình thức đấu thầu có sự tham gia của cộng đồng; phát huy vai trò cộng đồng trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động...

“Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu chúng tôi phải chịu trách nhiệm thực hiện các quy định nêu trong Nghị định số 38 về Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, các văn bản hướng dẫn thực hiện của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính; các quy định, hướng dẫn của WB để phục vụ tốt việc thực hiện dự án này” - lãnh đạo Agribank cũng cho biết.

Để đảm bảo triển khai thực hiện dự án có hiệu quả nhất, ông Lưu Đức Khải-Trưởng ban Chính sách Nông nghiệp và phát triển nông thôn (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cái khó nhất là tăng năng lực quản lý cho lãnh đạo cấp xã để họ có thể cùng tham gia tốt các hoạt động của dự án. Trong điều kiện mặt bằng dân trí khu vực Tây Nguyên còn thấp, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân Tây Nguyên coi những hoạt động của dự án là tài sản, cuộc sống của mình và cộng đồng cùng hưởng lợi. Chuyên gia Ngân hàng Thế giới - ông Sean Bradley - đồng chủ nhiệm dự án này cũng khẳng định, thời gian tới WB sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ban quản lý dự án tỉnh và huyện, cùng đồng hành trong quá trình thực hiện dự án...

  Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai thực hiện tại 6 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và 2 tỉnh Duyên hải miền Trung là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổng mức vốn đầu tư cho dự án này là 165 triệu USD, tương đương 3.465 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của WB và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ. Thời gian triển khai thực hiện dự án là 6 năm (2014-2019).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem