Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội; ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ; ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cùng các chuyên gia thuộc Viện Biến đổi khí hậu, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL; lãnh đạo sở NN&PTNT và đại diện nông dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.
ÐBSCL thuộc lưu vực sông Mekong có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Với diện tích khoảng 4 triệu ha, ÐBSCL sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước.
Nông nghiệp và thủy sản là hai "trụ cột" kinh tế chính của vùng và liên quan mật thiết tới con nước. Đặc biệt, nước lũ về không chỉ cho nhiều đặc sản cá tôm mà còn chứa một lượng lớn phù sa màu mỡ bồi đắp cho vùng đồng bằng trù phú này.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tọa đàm tại An Giang
Những năm gần đây, tình hình hạn hán cộng với các đập thủy điện tăng trữ nước ở các quốc gia thượng nguồn đã khiến tình trạng khô kiệt nước đang diễn ra gay gắt ở Thái Lan và Campuchia.
Tình trạng lũ về chậm, lũ thấp, kéo theo đó sẽ là tình hình xâm nhập mặn khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân ĐBSCL. Nhiều người dân sống phụ thuộc vào con nước đã phải bỏ xứ ra đi để mưu sinh hoặc phải chuyển đổi nghề.
Tại tọa đàm các chuyên gia thuộc Viện biến đổi khí hậu và chuyên gia sinh thái vùng ĐBSCL đã phân tích và dự báo tình hình biến đổi khí hậu; tư vấn cho bà con chọn những mô hình sản xuất, nuôi trồng phù hợp, thích ứng với tình hình thực tế đang đặt ra và phải đối mặt, từ đó tạo dựng cuộc sống tốt hơn…
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ, cho biết: Với tôn chỉ: “Agribank luôn đồng hành, gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân”, Agribank là NHTM lớn nhất Việt Nam có quy mô dư nợ cho vay nền kinh tế trên một triệu hai trăm nghìn tỷ đồng, có mạng lưới trên 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng khắp tất cả các tỉnh, thành, huyện, xã, liên xã trong toàn quốc. Agribank khu vực ĐBSCL với 307 chi nhánh, phòng giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; ngoài ra, còn có hàng chục điểm giao dịch lưu động bằng xe ôtô chuyên dùng phục vụ khách hàng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL sẽ phân tích và dự báo diễn biến khí hậu ĐBSCL.
Tính đến ngày 30/9, Agribank khu vực ĐBSCL cung ứng vốn tín dụng trên 164 nghìn tỷ đồng (chiếm 13,6% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống Agribank), chủ yếu đầu tư phát triển các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản; chăn nuôi; trồng lúa và các loại cây ăn quả... chiếm tỷ trọng 84% tổng dư nợ. Về đối tượng khách hàng, cho vay Doanh nghiệp chiếm 13%, cho vay Hộ sản xuất và cá nhân chiếm 87%.
Ông Hải cũng cho biết, Biến đổi khí hậu (BĐKH) trong những năm qua đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN Việt Nam, Agribank đã đưa ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ; cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ thấu chi đối với khách hàng cá nhân góp phần hạn chế tín dụng đen; cho vay lãi suất thấp đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ... Riêng khu vực ĐBSCL, Agribank đã cho vay các đối tượng trên với số dư nợ hiện nay gần 100 nghìn tỷ đồng.
Nhằm phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL cùng với sự chỉ đạo sát sao của Cấp ủy, Chính quyền địa phương, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trong khu vực ĐBSCL cho vay những mô hình kinh tế ứng phó với BĐKH, như: cho vay đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hậu Giang; cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa sang trồng cây Thanh Long ruột đỏ, Mãng cầu Xiêm, Dừa Mã Lai… ở Tiền Giang; cho vay vùng chuyên nuôi tôm, cua ở các vùng đất ngập mặn; nuôi cá sặc bổi ở vùng đất nhiễm phèn mặn; mô hình sản xuất 1 vụ tôm - 1 vụ lúa đối với các vùng xen lẫn nước ngọt và nước mặn… ở Cà Mau; cho vay mô hình SXKD thích ứng với BĐKH bên trong cống đập ngăn mặn Ba Lai đề trồng dừa, bưởi da xanh, nhãn và nuôi bè cá nước ngọt… tại Bến Tre; cho vay trồng hoa màu trên đất giồng cát ít tưới nước như đậu phộng, dưa hấu; nuôi cá lóc thương phẩm, nuôi tôm thâm canh tại Trà Vinh…
Người dân tỉnh An Giang chia sẻ khó khăn khi lũ về thấp.
Tuy nhiên, qua đầu tư cho vay các mô hình ứng phó BĐKH tại khu vực ĐBSCL, Agribank nhận thấy việc chuyển đổi đầu tư sản xuất kinh doanh sang các mô hình ứng phó BĐKH của người dân trong khu vực còn một số khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
Để việc cho vay các mô hình sản xuất kinh doanh ứng phó BĐKH phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng và ngân hàng, Agribank kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, chính quyền, địa phương:
Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ.
1. Một là, sớm đánh giá, dự báo dài hạn tác động của BĐKH nhằm quy hoạch tổng thể chiến lược phát triển ngành kinh tế vùng ĐBSCL để thích ứng với BĐKH.
2. Hai là, có chính sách khơi dòng các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế vào đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ, mạng lưới giao thông đường sắt song song với đường thủy.
3. Ba là, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường các khâu hướng dẫn, kiểm tra đối với các mô hình sản xuất kinh doanh ứng phó BĐKH để chỉ đạo, tuyên truyền và nhân rộng. Đặc biệt là các mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi liên kết có sự kết hợp giữa các nhà “Cung cấp nguyên liệu - Sản xuất - Thu mua - Chế biến - Tiêu thụ” để ngân hàng có cơ sở đầu tư cho vay mang lại hiệu quả đồng bộ cho các thành viên tham gia chuỗi giá trị.
4. Bốn là, tăng cường có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng nhà nước khởi sướng bắt đầu từ TP.Hồ Chí Minh nay lan tỏa trong toàn quốc, các doanh nghiệp đi đầu trong hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống và thu mua, chế biến sản phẩm trong chuỗi giá trị kết nối với các hộ sản xuất, còn ngân hàng cho vay - thu nợ theo chu trình khép kín.
5. Năm là, trước mắt cần có chính sách hỗ trợ vốn để xử lý rủi ro đối với các các hộ sản xuất, doanh nghiệp và ngân hàng mạnh dạn đầu tư áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh ứng phó BĐKH nhưng gặp phải rủi ro khách quan như phát sinh dịch bệnh mới đối với cây trồng, vật nuôi do biến đổi khí hậu,….
6. Sáu là, các công ty bảo hiểm do nhà nước làm chủ sở hữu có trách nhiệm tham gia bảo hiểm đối với các dự án sản xuất kinh doanh ứng phó biến đổi khí hậu giúp cho hộ sản xuất, doanh nghiệp và ngân hàng yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất kinh doanh này.
7. Bảy là, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHXH, Kho bạc, các quỹ đầu tư,… được ưu tiên gửi vào các ngân hàng thương mại do nhà nước làm chủ sở hữu để tăng nguồn vốn huy động phục vụ cho vay đối tượng nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu.
8. Tám là, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước giao Agribank được nhận ủy thác giải ngân, đầu tư cho vay các dự án sản xuất kinh doanh ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn tín dụng của WorlBank và ADB,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.