Ai Cập ngày “không Mubarak”

Thứ hai, ngày 14/02/2011 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân Ai Cập đã cùng ăn mừng khi Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ chức đêm 11-2 (giờ VN). Nhưng trước mắt họ là những thách thức của thời “hậu Mubarak”.
Bình luận 0

18 ngày thay đổi Ai Cập

Dưới sức ép của hàng triệu người biểu tình, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã buộc phải chấp nhận ra đi, trao quyền điều hành đất nước cho quân đội.

Hai ngày cuối tuần đã trở thành những bữa tiệc ăn mừng của hàng triệu người dân. Ngày 13-2, dân Ai Cập đã quay trở lại với công việc thường nhật với một niềm hy vọng rằng, đây là thời điểm xây dựng cho tương lai. Rác rưởi đã được dọn sạch, đường phố được quét dọn sạch bong như chưa hề có dấu tích của cuộc đại biểu tình kéo dài suốt 18 ngày qua.

img
Người biểu tình tham gia sơn sửa lại thành phố.

Hầu hết người dân Ai Cập cho rằng, ông Mubarak không mang lại được sự phồn vinh cho người dân, vì thế ông cần phải ra đi. Sau 30 năm tại vị, thành quả của Mubarak để lại là một nửa dân số Ai Cập sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Hàng triệu người Ai Cập phải phụ thuộc vào bánh mì được nhà nước trợ giá. Ai Cập là quốc gia có số sinh viên đại học thất nghiệp nhiều nhất tại Trung Đông, cũng là nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Những người nông dân mất ruộng phải tá túc trong những khu ổ chuột tại thành phố, trong khi dân số Thủ đô Cairo ước tính khoảng 17 triệu người.

Một cuộc sống khốn khổ đã đẩy những người dân nghèo đi đến quyết định cùng nhau đứng dậy biểu tình. Cuộc đại biểu tình kéo dài suốt 18 ngày qua đã gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế cho Ai Cập. Thực tế, sự ra đi của ông Mubarak đã tạo ra thách thức hơn cho Ai Cập.

Thách thức đón đợi

Sau khi ông Mubarak từ chức, quyền lực tại Ai Cập được chuyển sang tay Hội đồng Quân sự Tối cao trong thời gian chuẩn bị bầu cử. Trong tuyên bố trên truyền hình nhà nước, người phát ngôn quân đội Ai Cập khẳng định họ đã yêu cầu Chính phủ hiện thời đảm nhiệm vị trí cho đến khi một Chính phủ mới được thành lập. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, thời gian quân đội chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự sẽ sớm mang lại sự ổn định cho người dân Ai Cập.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để nắm giữ quyền lực, Chính phủ dân chủ hóa mới của Ai Cập phải làm điều mà ông Mubarak chưa thể làm: Nhanh chóng mang lại những lợi ích kinh tế, trong khi thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế lâu dài. Tuy nhiên, tăng trưởng lâu dài đòi hỏi bộ máy quan liêu phải được thu gọn lại và các ngành được tư nhân hóa.

Trong thời gian trước mắt, hai cải cách kinh tế này có nghĩa là tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và có thể sẽ dẫn tới bất mãn. Trong một nước Ai Cập dân chủ hơn, các Chính phủ sẽ ít có khả năng chống lại các cuộc biểu tình như lực lượng cảnh sát quốc gia của ông Mubarak đã duy trì suốt 18 ngày qua.

Nếu Ai Cập có thể hướng tới dân chủ, trong khi loại trừ khỏi quyền lực những phong trào Hồi giáo phi dân chủ; nếu các lực lượng vũ trang và an ninh, tôn trọng hiệp ước hòa bình với Israel, bảo vệ và tôn trọng thiểu số những người theo Cơ đốc giáo... thì khi ấy cuộc “cách mạng” vừa qua đúng là một sự giải phóng. Nhưng nếu chính phủ kế nhiệm không làm được những việc này thì cuộc cách mạng sẽ trở thành một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử Trung Đông.

“Hiệu ứng” Ai Cập đang lây lan nhanh sang các nước Trung Cận Đông. Tại thủ đô và các thành phố lớn khác của Algeria cũng diễn ra nhiều cuộc tuần hành theo lời kêu gọi của tổ chức "Điều phối Quốc gia vì thay đổi và dân chủ". Chính quyền Algeria đã phải huy động 30.000 cảnh sát để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Tại Yemen, hàng nghìn thanh niên xuống đường đòi Tổng thống Ali Abdallah Saleh noi gương ông Hosni Mubarak, rút lui khỏi chính quyền.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem