Năm 1620, chưa đầy một tháng sau khi lên ngôi Hoàng đế, Thái Xương Đế Chu Thường Lạc qua đời. Hoàng đế bệnh nặng vì dục vọng quá độ, ăn hai viên hồng hoàn dẫn đến cái chết ở tuổi 39. Sự kiện đầy sự nghi hoặc này đã trở thành một đại nghi án cuối thời Minh - Hồng hoàn án.
Trong số 16 đời Hoàng đế Triều minh, Chu Thường Lạc hẳn là một Hoàng đế tương đối bi thương. Từ khi sinh ra, cha đã không thèm nhìn ông lấy một lần, thậm chí còn muốn phế vị Thái tử, thiếu chút nữa bị Trịnh quý phi hãm hại. Cha chết đi, lại bị phi tử của mình cấu kết với người khác mưu hại. 39 tuổi làm Hoàng đế, song chỉ mới tại vị được 29 ngày thì băng hà, thương thay số kiếp của Chu Thường Lạc.
Thái tử tội nghiệp
Vạn Lịch đế Chu Dực Quân là vị Hoàng đế tùy hứng, để đấu với các đại thần, ông đã trốn không thượng triều gần 30 năm.
Năm hơn 20 tuổi, Chu Dực Quân đi thỉnh an Lý thái hậu, trên đường trở về nhìn thấy một tiểu cung nữ xinh đẹp như hoa, thế là chuyện gì đến cũng đến. Cuộc vui chơi tưởng chừng chóng vánh này không dừng lại ở đó vì tiểu cung nữ đã mang thai, sinh ra con trai.
Lý thái hậu ngóng trông ôm cháu trai, Chu Dực Quân bất đắc dĩ mới nhận con, phong cung nữ Vương thị làm Cung phi. Nhưng sau đó, mỗi ngày ông chỉ quan tâm đến sủng phi Trịnh thị, không màng ngó ngàng đến mẹ con Cung phi.
Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân không coi trọng trưởng tử Chu Thường Lạc, sau đó lại có thêm một con trai với Trịnh quý phi, ông phong Trịnh thị làm Hoàng quý phi. Lúc này bá quan văn võ đều tin rằng Hoàng đế sẽ phong Trịnh quý phi làm Hoàng hậu, lập con trai của bà thành Thái tử.
Song con trai Trịnh quý phi là Chu Thường Tương chết yểu, sau đó Trịnh quý phi sinh ra Chu Thường Tuân. Vạn Lịch đế chuẩn bị chờ phong Chu Thường Tuân làm Thái tử, quan văn lại phản đối vì quy củ phong kiến là “lập con trai trưởng làm Thái tử”. Đôi bên giằng co suốt mười mấy năm, Vạn Lịch đế nản lòng thoái chí, không thể không lập Chu Thường Lạc làm Thái tử, Chu Thường Tuân làm Phúc vương, mọi chuyện mới xem như kết thúc.
Thái tử Chu Thường Lạc trở thành chướng ngại vật trên con đường trở thành Hoàng hậu của Trịnh Quý Phi.
Kể cũng thật oái oăm, Tam đại nghi án của triều Minh đều liên quan đến Chu Thường Lạc.
Một ngày Thái tử Chu Thường Lạc đang vui vẻ chơi đùa ở Đông cung của mình, đột nhiên một người đàn ông tên Trương Sai cầm gậy tiến vào dùng vũ lực khiến Chu Thường Lạc bị trọng thương.
Hoàng cung đề phòng nghiêm ngặt, lại xuất hiện người tự tung tự tác như vậy, việc này có phải là kỳ lạ hay không? Hắn đã khai ra kẻ chủ mưu là hai tên hoạn quan, cũng là tâm phúc của Trịnh Quý phi, tên Bàng Bảo và Lưu Thành.
Sự việc chấn động này làm liên lụy nhiều đến Trịnh Quý phi. Vạn Lịch đế khi ấy biết rõ mọi chuyện, sao có thể để Trịnh Quý phi lẫn Phúc vương Thường Tuân sẽ chịu tội nặng, thế nên ông quyết định đích thân dung túng, đổ hết mọi cáo trạng lên 2 tay hoạn quan.
Tuy nhiên có thuyết cho rằng đây là mưu kế của phe Thái tử nhằm triệt hạ ý đồ cũng như âm mưu từ phe của Trịnh Quý phi. Từ sau vụ án này địa vị của Thái tử càng trở nên vững chắc. Đây chính là Đĩnh kích án thuộc Tam đại án Minh triều.
Hoàng đế chóng vánh và Hồng hoàn án
Hoàn cảnh sinh hoạt tạo thành tính cách yếu đuối, Chu Thường Lạc bị cha bỏ rơi nên không được học hành tử tế, đến khi làm Hoàng đế bắt đầu phóng túng dục vọng. Trịnh quý phi mặc dù không còn Vạn Lịch đế chống lưng nhưng vẫn đấu tranh cho chức vị Mẫu nghi thiên hạ. Lần này bà muốn Hoàng đế phong chức Thái hậu cho mình.
Theo đó, bà đã chuẩn bị một ít châu báu và tám mỹ nữ cho Hoàng đế. Chu Thường Lạc ngày đêm chìm trong dục vọng, thế là sức cùng lực kiệt, lâm bệnh triền miên.
Kể cũng lạ, Hoàng đế bệnh không gọi thái y mà lại bảo nội thị Thôi Văn Thăng khám bệnh. Dưới sự sai khiến của Trịnh quý phi, Thôi Văn Thăng đã kê một phương thuốc khiến Hoàng đế tiêu chảy liên tục cả đêm.
Chu Thường Lạc tiêu chảy mấy ngày tự cảm thấy mình sống không được bao lâu, triệu tập nội các chuẩn bị an bài hậu sự. Chu Thường Lạc hỏi thủ phụ Phương Tòng Triết: “Hồng Lư tự thừa Lý Khả Chước có phương thuốc tiên, cho trẫm xem một chút”.
Phương Tòng Triết khuyên rằng, Lý Khả Chước là hạng tiểu nhân, không nên tin tưởng vào phương thuốc của hắn.
Chu Thường Lạc vẫn cố chấp muốn triệu Lý Khả Chước kê tiên đan cho mình. Lý Khả Chước trình phương thuốc lên, Chu Thường Lạc liên tục xưng là "trung thần", sau đó sai người chế ra một viên hồng hoàn (viên thuốc đỏ).
Chu Thường Lạc sau khi dùng một viên tinh thần chấn động, lại dùng thêm một viên nữa. Ngày hôm sau, Càn Thanh cung truyền tin Hoàng đế băng hà, đây chính là "Hồng Hoàn án" trong lịch sử nhà Minh.
Theo nhiều thông tin lịch sử, hồng hoàn không phải là chất độc. Thành phần chính của nó là chì, sâm nhung và các loại thuốc bổ khác. Nhưng vì Chu Thường Lạc bị tiêu chảy không ngừng, thân thể cực kỳ suy yếu. Dùng thuốc đại bổ, không chỉ không thể làm giảm bớt bệnh tình, ngược lại sẽ làm cho bệnh càng thêm tồi tệ.
Quan thần điều tra là Trịnh Quý phi và Lý Khang phi (sủng phi của Chu Thường Lạc) cấu kết mưu hại Hoàng đế, nhưng khổ nỗi không có chứng cứ, thế là trở thành nghi án lịch sử.
Hồng hoàn án bề ngoài nhìn như là trò khôi hài trong chốn cung đình, kỳ thật đã bóc trần sự xấu hổ của hoàng quyền.
Nhà Minh bước vào thời kỳ Vạn Lịch đã bắt đầu đi xuống, một Hoàng đế 30 năm không thượng triều, không quan tâm đến chuyện quốc gia, đây không phải là sự tùy hứng bình thường. Đáng sợ hơn chính là, Vạn Lịch đế chẳng những không bồi dưỡng người kế nhiệm, mà còn chèn ép, đến khi Thái tử 18 tuổi mới cho học hành.
Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân sống 58 tuổi, hơn phân nửa cuộc đời đấu tranh với quan văn, có thể thấy hoàng quyền bị kiểm soát đến mức nào. Vạn Lịch đế cảm thấy không thể làm chủ bất cứ chuyện gì, đấu tranh mười mấy năm vì chuyện lập Thái tử, cuối cùng vẫn bại.
Đến Thái Xương Đế Chu Thường Lạc lại càng tồi tệ hơn, chẳng những các đại thần không một lòng, sủng phi của mình lại cấu kết với Trịnh quý phi mưu hại Hoàng đế. Chu Thường Lạc quả thật là một vị Hoàng đế đáng thương!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.