Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Vứt rác, tàn thuốc bừa bãi bị phạt tiền triệu
Từ 1.2.2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 155) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định trên thay thế cho Nghị định 179/2013 Chính phủ ban hành năm 2013.
Trong nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.
Cụ thể, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng tới 1 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 50 - 100 nghìn).
Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 200-300 nghìn).
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 100-200 nghìn đồng).
Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 300-400 nghìn đồng).
Ai có quyền xử phạt
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, theo quy định tại điều 48, Nghị định 155, lực lượng công an nhân dân, Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra chuyên ngành… sẽ có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định 155.
Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 1 tỷ đồng.
Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền xử phạt số tiền đến 500 nghìn đồng.Trạm trưởng, đội trưởng công an nhân dân có quyền phạt đến 1,5 triệu đồng.
Trưởng công an cấp xã, Trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền phạt tiền đến 2,5 triệu đồng.
Hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Trưởng công an cấp huyện; Trưởng phòng công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng cảnh sát môi trường và trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng.
Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền xử phạt số tiền đến 50 triệu đồng; Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1 tỷ đồng.
Lực lượng thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500 nghìn đồng.
Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường có quyền phạt tiền đến 1 tỷ đồng…
“Tùy vào hành vi và mức độ vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt.
Ví dụ, chiến sĩ công an và lực lượng thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường có quyền xử phạt hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc không đúng quy định nơi công cộng với mức phạt 500 nghìn đồng.
Tuy nhiên, nếu các mức phạt từ 1 triệu đồng như hành vi tiểu tiện bậy thì chiến sĩ công an phải chuyển hồ sơ cho trạm trưởng, đội trưởng công an nhân dân nơi mình công tác xử phạt.
Tương tự lực lượng thanh tra viên phải chuyển hồ sơ cho Chánh Thanh tra Sở hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường nơi mình công tác xử phạt theo thầm quyền”, luật sư Lê Văn Kiên phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.