Ai đã lần tìm 2 bản án để kêu oan cho cụ Trần Văn Thêm?

Lương Kết Thứ ba, ngày 09/08/2016 13:35 PM (GMT+7)
Khi được trả tự do, cụ Trần Văn Thêm (80 tuổi, ở thôn Đức Lân, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) không có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc từng bị tuyên án tử hình, do đó hành trình kêu oan của cụ rất gian nan...
Bình luận 0

Kêu oan phải có hồ sơ

Theo nguồn tin, hôm nay (9.8), TAND Tối cao sẽ họp với một số cơ quan để đưa ra kết luận về vụ án có dấu hiệu oan sai của cụ Trần Văn Thêm.

img

Cụ Trần Văn Thêm.

Như các bài báo trước Dân Việt đã đề cập, vào năm 1973 cụ Trần Văn Thêm bị tuyên án tử hình về 2 tội Giết người và Cướp tài sản. Cụ chống án kêu oan, sau đó hung thủ thật bị bắt và cụ được trả tự do vào đầu năm 1976. Tuy nhiên khi ra tù cụ chỉ được cán bộ công an cấp một giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động chứ không có giấy tờ gì khác.

"Nếu tôi có tội thực sự thì đã bị thi hành án tử hình rồi, đằng này tôi được trả tự do sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ở tù. Tôi được trở về địa phương nhưng các ngành chức năng đã không tiến hành minh oan, nên bao nhiêu năm nay tôi vẫn mang tiếng là kẻ giết người, bị không ít người làng dè bỉu, coi khinh. Tôi đã đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, nhưng việc xin minh oan mấy chục năm qua vẫn không được giải quyết" - cụ Thêm buồn bã nói.

Năm 2003 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 338, về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, cụ Thêm lại càng quyết tâm hơn trong việc đi kêu oan. "Tôi đi đến cơ quan nào cũng bị cán bộ hỏi hồ sơ tài liệu đâu, tài liệu thì Nhà nước phải lưu giữ, cán bộ phải tìm, tôi không được giao làm sao có" - cụ Thêm rầu rĩ.

Năm 2005, TAND Tối cao đã trả lời cụ Thêm về việc kêu oan của cụ như sau: Nếu ông bị xét xử oan sai thì phải có tài liệu chứng minh để được Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị, để Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Người trong cuộc xác nhận cụ Thêm bị oan

Đến TAND Phú Thọ xin tìm tài liệu, cụ Thêm nhận được câu trả lời: Vụ án của cụ xảy ra năm 1970 trong thời kỳ đang chiến tranh phải sơ tán nhiều nơi, do vậy hồ sơ các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc, TAND tỉnh Phú Thọ không còn quản lý.

Năm 2014, Viện KSND Tối cao cho biết, cơ quan này đã trực tiếp đi xác minh tại TAND Tối cao, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm của Viện KSND Tối cao tại Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3, nhưng không tìm thấy tài liệu liên quan đến vụ án của cụ Thêm, do đó không có căn cứ để xác định cụ Thêm bị xét xử oan.

Cũng trong năm 2014, cụ Thêm đã gặp ông Nguyễn Văn Hòa và luật sư Vũ Văn Lợi (Công ty TNHH luật Hòa Lợi, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) để nhờ giúp đỡ.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Vũ Văn Lợi kể lại: "Khi thấy các cơ quan chức năng nói không tìm thấy hồ sơ của cụ Thêm, chúng tôi nghĩ còn địa chỉ nữa có thể lần tìm tài liệu là nơi cụ Thêm bị giam giữ và Công an tỉnh Bắc Ninh, bởi cụ là quê Bắc Ninh. Nghĩ thế nên công ty chúng tôi đã gửi công văn về Công an tỉnh Bắc Ninh nhờ họ tìm".

Tháng 11.2014, Công an tỉnh Bắc Ninh đã có công văn phúc đáp gửi Công ty TNHH Hòa Lợi, cho biết, hiện Công an tỉnh Bắc Ninh đang lưu trữ 2 hồ sơ có liên quan đến vụ án giết người xảy ra tại Tam Dương, Vĩnh Phú năm 1970, bị can là Trần Văn Thêm.

Sau khi sao chụp được 2 bản án trên, để củng cố thêm tài liệu, Công ty TNHH Hòa Lợi đã tìm đến 2 người liên quan là ông Hoàng Xuân Diệu - nguyên Đội trưởng Đội điều tra Công an huyện Tam Dương và bà Phùng Thị Sứng, ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương.

Bà Sứng đã viết giấy xác nhận, em bà là Phùng Thanh Nhàn mới là hung thủ sát dùng búa đánh ông Nguyễn Khắc Văn tử vong và cụ Trần Văn Thêm bị thương. Cụ Thêm không phải là người gây án sát hại ông Văn tại lều cắt tóc ở Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh vào năm 1970.

Về phía ông Diệu, ông này cũng viết giấy xác nhận cho biết hung thủ gây án là Phùng Thanh Nhàn chứ không phải cụ Thêm. Trước đó vào năm 2007, ông Cù Văn Tiện - nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Vĩnh Phú - cũng viết giấy xác nhận Phùng Thanh Nhàn là thủ phạm, còn cụ Thêm là người bị oan.

Năm 1970, cụ Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn từ Bắc Ninh lên huyện Tam Dương, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) thu mua trám. Trời tối hai người nghỉ tại lều cắt tóc ven đường. Đêm đó, có đối tượng đã dùng búa đánh ông Văn và cụ Thêm để cướp tài sản. Bị chống trả và hô hoán tên cướp bỏ chạy. Ông Văn bị thương và tử vong sau đó, cụ Thêm cũng bị thương vào đầu nay vẫn để lại sẹo. Sau đó cụ Thêm bị cho là hung thủ, hai lần ra tòa cụ phải nhận bản án tử hình. Tuy nhiên hung thủ thật sau đó bị bắt, cụ được trả tự do về địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem