Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù?

Thứ hai, ngày 20/05/2024 16:32 PM (GMT+7)
Thi Nại Am và La Quán Trung là những tác gia danh tiếng cuối đời Nguyên – đầu nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Người đầu sáng tác “Thủy hử”. Người sau là tác giả “Tam Quốc diễn nghĩa”. Hai tiểu thuyết đỉnh cao, trong “Tứ đại danh tác” Trung Hoa.
Bình luận 0

Nhưng họ liệu có phải chỉ là những người cùng thời, hay còn có một quan hệ sâu sắc hơn thế?

Thủy hử hay Thủy hử truyện là một tác phẩm được xếp vào Tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Hoa. Thủy hử là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thi Nại Am, sáng tác dựa trên các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đời Tống, Nguyên và có tham khảo sách “Đại Tống Tuyên Hòa di sự”. Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù? - Ảnh 1.

Thủy hử của Thi Nại Am là 1 trong "Tứ đại danh tác" Trung Hoa.

Những giả thuyết về Thi Nại Am và La Quán Trung

Có giả thuyết cho rằng Thủy hử là do Thi Nại Am và La Quán Trung cùng sáng tác nhưng tính chính xác của giả thuyết ấy không cao. Một số học giả ngày nay thậm chí còn nghi ngờ về sự tồn tại của Thi Nại Am và cho rằng tên gọi này chỉ là bút danh của La Quán Trung, người được cho là đóng góp trong vai trò biên tập chính của Thủy hử.

Sở dĩ tồn tại những giả thuyết trên vì cuộc đời của Thi Nại Am và La Quán Trung có nhiều điểm giống nhau như đều sống trong khoảng thời gian cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, đều từ quan về ở ẩn để chuyên tâm sáng tác văn học. Nhưng theo một số ghi chép cổ thì Thi Nại Am và La Quán Trung, đều là những tác gia có thật trong lịch sử và mối quan hệ giữa họ thậm chí vô cùng sâu sắc.

Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù? - Ảnh 2.

La Quán Trung (ảnh nhỏ) có công biên tập tác phẩm Thủy hử của Thi Nại Am

Thi Nại Am (1296-1370), quê Cô Tô, Tô Châu, trong 1 dòng họ thi thư, đời thứ 14 của 1 trong 72 đồ đệ chân truyền của Khổng Tử. 7 tuổi, Thi Nại Am đã đọc hết Tứ thư, Ngũ Kinh, Bách gia chư tử. 13 tuổi, tranh luận khúc chiết với người lớn, hạ bút thành thơ.

Năm 35 tuổi, Thi Nại Am đỗ tiến sĩ, làm quan huyện ở hạt Tiền đường. Vài năm sau, bất mãn với cảnh quan trường hủ bại, ông về quê nhà Tô Châu mở trường dạy học tại huyện Hưng Hóa, kết hợp sáng tác tác văn thơ. Thi Nại Am nhanh chóng trở thành danh sư nức tướng Tô Châu, học trò lũ lượt đến ghi danh theo học.

La Quán Trung là học trò xuất sắc của Thi Nại Am?

Khoảng năm 1344, một cậu học trò xuất thân từ gia đình quý tộc giàu có ở Tiền Đường, Thái Nguyên Sơn Tây, lặn lội tới tận Hưng Hóa đến gặp Thi Nại Am, bái làm thày học đạo. Tư chất thông minh lại trau dồi chăm chỉ, cậu học trò này rất được Thi Nại Am yêu thích.

Người học trò cưng của Thi Nại Am, chính là Hải Hồ Tản nhân danh tiếng lẫy lừng sau này, là tác giả của tiểu thuyết chương hồi vĩ đại - 1 trong Tứ đại danh tác Trung Hoa – “Tam Quốc diễn nghĩa”. Chính là La Quán Trung (1330-1400).

Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù? - Ảnh 3.

Học trò xuất sắc nhất của Thi Nại Am chính là La Quán Trung

Sau khi Thi Nại Am hoàn thành tác phẩm tâm tắc nhất của cuộc đời mình, dựa trên một sự kiện có thật trong lịch sử (cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỉ XI đời Tống), miêu tả muôn mặt quá trình phát sinh, phát triển và thất bại của một cuộc cách mạng nông dân dưới thời phong kiến, lấy tên là “Giang hồ hào khách truyền”, La Quán Trung chính là người giúp thầy biên tập và chỉnh lý bộ tiểu thuyết này.

Theo một số văn bản ghi chép cổ, chính La Quán Trung là người “gợi ý” cho Thi Nại Am lấy tên “Thủy hử” thay cho “Giang hồ Hào Khách truyện” khi nói: “Thủy hử tức là thủy biên, vừa thực vừa điển cố. Kinh Thi có câu “Cổ công đàn phụ, triều lai tẩu mã, xuất Tây Thủy hử, chí vu kỳ hạ”. Thi Nại Am nghe vậy, ưng lắm, quyết định lấy tên “Thủy hử” cho tác phẩm.

Sau khi hoàn thành, “Thủy hử” nhanh chóng phổ biến trong dân gian, trở thành món ăn tinh thần đối với người dân lao động. Gần giữa năm 1368, một bản sao “Thủy hử” đến tay Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, thời điểm đó vừa lập ra nhà Minh và đang thực hiện chính sách càn quét mạnh tay đối với các văn nhân có tư tưởng chống đối triều đình.

“Thủy hử” đẩy Thi Nại Am vào cảnh ngục tù

Xuất thân cơ hàn, từng làm sư khất thực nhiều năm trước khi gia nhập đội quân khởi nghĩa, rồi tay trắng làm nên nghiệp lớn, đánh đuổi người Mông Cổ, giành lại quyền tự chủ cho người Hán, thống nhất Trung Quốc, khai sáng giang sơn Đại Minh nhưng Minh Thái Tổ khi lên ngôi lại chủ trương văn hóa chuyên chế, sát hại công thần và gây ra hàng loạt vụ án văn chương, khiến nhiều trí thức rơi vào cảnh tù tội.

Thi Nại Am, với tác phẩm “Thủy hử”, chính là một trong số những “nạn nhân” của Minh Thái Tổ. Tương truyền rằng, trước khi lên ngôi, Minh Thái Tổ từng ít nhất hai lần lệnh Lưu Bá Ôn, mưu sĩ số 1, nhà văn-nhà thơ nổi tiếng cuối Nguyên-đầu Minh và là bạn đồng khoa tiến sĩ với Thi Nại Am, mời họ Thi về triều làm quan nhưng Thi đều lấy cớ từ chối.

Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù? - Ảnh 4.

Vì Thủy hử mà Thi Nại Am bị Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tống giam

Khi đọc qua tác phẩm “Thủy hử” của Thi Nại Am, Minh Thái Tổ nổi trận lôi đình mà rằng: “Một kẻ có mưu đồ tạo phản viết sách xúi dân làm loạn. Thảo nào, ta cố vời mà hắn cứ làm ngơ. Không trừ tất để họa về sau”. Sau đó, Minh Thái Tổ sai Cẩm y vệ bắt Thi Nại Am tống vào Hình bộ thiên lao, chờ ngày xét xử.

Biết chuyện Lưu Bá Ôn đến đại lao thăm bạn. Tại đây, Thi Nại Am đã ngỏ ý xin Lưu bày cho cách để thoát khỏi cảnh ngục tù. Lưu lúc ấy mới nói: “Huynh vì sao vào đây thì sẽ ra khỏi đây cũng bằng cách đó”. Một người thông tuệ như Thi Nại Am, dĩ nhiên, hiểu được ẩn ý trong câu nói của Lưu.

“Ta vì viết sách mà vào tù, vậy cũng phải viết sách để ra khỏi tù?” – Thi đáp. Ngay lập tức Lưu trả lời rằng: “Nếu huynh chịu viết phần tiếp của Thủy hử theo hướng nghĩa quân Lương Sơn Bạc nhận chiêu an triều đình, để giúp dân giúp nước, tôi nguyện dâng biểu lên Hoàng thường, để xin giúp huynh”.

Thi Nại Am chấp thuận. Lưu Bá Ôn dâng biểu lên Minh Thái Tổ, Hoàng đế đồng ý. Sau đó Thi Nại Am nhờ người gọi học trò La Quán Trung tới nhà lao bàn bạc. Hai người cùng nhau thống nhất ý tưởng viết Tục Thủy hử (tức Hậu Thủy hử), kể về quá trình tổn thất, tan rã hoàn toàn của các anh hùng Lương Sơn Bạc.

La Quán Trung mới chính là người viết “Hậu Thủy hử”

Nội dung chủ yếu của Tục Thủy hử kể về việc nghĩa quân Lương Sơn sau khi đánh thắng các cuộc đánh dẹp của triều đình nhà Tống, nhận chiêu an và tiến công nước Liêu, bình định các cuộc khởi nghĩa của Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp, cũng như kết cục cuối đời của từng người trong số 108 vị anh hùng.

Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù? - Ảnh 5.

Ý tưởng có sự thống nhất chung với Thi Nại Am, nhưng người viết Hậu Thủy hử là La Quán Trung

Sự suy giảm quân số chỉ diễn ra khi quân Lương Sơn đụng độ quân Phương Lạp. Cho tới khi đánh bại quân khởi nghĩa này và bắt sống thủ lĩnh Phương Lạp, các anh hùng Lương Sơn Bạc bị tổn thất rất nhiều. Trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn, 5 người không tham dự cuộc chiến với Phương Lạp do được lệnh ở lại hoặc bị gọi về.

103 người tham dự cuộc chiến với Phương Lạp thì có 76 người bị tử trận hoặc không trở về triều nhận quan tước, 27 người trở về triều. Trong 32 người còn sống, 3 người bị triều đình sát hại; 2 người tự vẫn vì phẫn chí; 12 người về tới kinh nhưng vẫn không nhận chức, bỏ về quê cũ hoặc đi làm đạo sĩ; 3 người nhận chức rồi sau đó từ chức vì không thích bon chen ở chốn quan trường nhiều gian thần; 13 người tiếp tục phục vụ triều đình.

Do Thi Nại Am, tuổi già sức yếu, thân ở trong lao nên người viết “Tục thủy hử” hoàn toàn là La Quán Trung, vốn mang tư tưởng bảo hoàng, trung quân báo quốc. Thi Nại Am và La Quán Trung là đồng tác giả của tác phẩm này, nhưng họ La mới thực sự là tác giả Tục Thủy hử. Đấy là lý do tại sao 50 hồi tiếp theo của “Tục Thủy hử” không có cái thần của 70 hồi trước đó, vốn do đích thân Thi Nại Am sáng tác.

Ai đã viết "Hậu Thủy hử" để cứu Thi Nại Am khỏi cảnh lao tù? - Ảnh 6.

Sau Hậu Thủy hử, La Quán Trung sáng tác "Tam Quốc diễn nghĩa" - tiểu thuyết chương hồi vĩ đại bậc nhất trong lịch sử văn học cổ điển Trung Hoa

Sau gần 1 năm trời, Tục thủy hử hoàn thành và được trình lên Minh Thái Tổ. Hài lòng với kết cục của tiểu thuyết, Minh Thái Tổ giữ đúng lời hứa, ra lệnh phóng thích Thi Nại Am vào cuối năm 1369. Ra khỏi tù, với thể trạng tiều tụy, tinh thần bại hoại, Thi Nại Am qua đời vài tháng sau đó.

Sau khi Thi Nại Am qua đời, La Quán Trung tập trung chỉnh lý lại hai phần Thủy hử, tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh “Thủy hử truyện” 120 hồi. Ông đã đưa tác phẩm đến trungtâm in ấn thời bấy giờ ở Phúc Kiến, nhưng không nhà in nào dám nhận. Chí nguyện không thành, La Quán Trung đi phiêu bạt nhiều nơi, trước khi sáng tác bộ tiểu thuyết kinh điển “Tam Quốc diễn nghĩa”.


Tầm Hoan (Theo SHTT&ST)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem