Ai hưởng lợi với bản hợp đồng “siêu khủng”?

Thứ sáu, ngày 24/02/2012 16:54 PM (GMT+7)
Các ông bầu VPF tuyên bố đã ký ghi nhớ với VTV về bản quyền ba giải đấu bóng đá Việt Nam có giá 70 tỷ đồng/3 mùa. Nhưng các CLB có được hưởng lợi từ bản hợp đồng “siêu khủng” mà VPF đưa ra?
Bình luận 0

VTV “quan hổ đấu”

Theo tiết lộ của bầu Kiên, VPF và VTV đã có một bản ghi nhớ hợp tác với số tiền mua bản quyền lên đến 76 tỷ đồng. Tuy nhiên, VTV vẫn giữ thái độ rất dè dặt. Bản thân VPF cũng thận trọng, vì họ hiểu rằng bản hợp đồng ghi nhớ với VTV chỉ thành bản hợp đồng hợp pháp sau khi có được bản quyền truyền hình trong tay. Tất nhiên, điều đầu tiên là phải vô hiệu hóa bản hợp đồng VFF ký với AVG.

img
Nếu VTV mua lại được bản quyền truyền hình, các CLB có được hưởng lợi từ bản hợp đồng này? Ảnh: Quang Thắng

Thực ra đến thời điểm này, VTV chỉ coi VPF là đối tác tham khảo. Phó Tổng Giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương khẳng định với báo chí, VTV không chỉ đàm phán với VPF mà còn đám phán với cả AVG.

Ông Lương quả quyết: “VTV chỉ ký hợp đồng với đơn vị nào nắm giữ bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc gia mà thôi”. Có thể hiểu trong thời điểm này, VTV đứng ở thế “quan hổ đấu”, đợi đến lúc cuộc chiến giữa AVG và VPF phân xử thì VTV mới ký hợp đồng với bên đó. Điều đó có thể hiểu, VTV và VPF hợp tác với nhau chỉ là “ảo”.

Vấn đề ở chỗ, VPF cần phải có thứ vũ khí trong tay để “đấu” lại với AVG. Vì thế, việc dựa vào VTV để biến đối tác này thành vũ khí trong cuộc chiến bản quyền truyền hình là điều có thể nhận thấy. Một thực tế nữa, VTV kiểu gì cũng có lợi, bởi họ đứng giữa hưởng lợi. Thế cho nên, người ta mới thấy sự im lặng của VTV trong suốt thời gian qua là có chủ ý như thế nào.

Đấy là một phép tính khôn khéo, nhất là khi VTV với “con đẻ” là K+ từng gặp vấn đề đối với dư luận khi mua độc quyền giải ngoại hạng Anh. Nay, có vẻ như VTV đang bù lại cho người hâm mộ bằng cách đặt dấu ấn khi tiếp xúc, thâu tóm bản quyền các giải bóng đá quốc gia. Bằng chứng là trong thời gian qua, dù AVG nắm bản quyền đi nữa, VTV vẫn tích cực mua bản quyền để phát sóng.

Vì sao VTV chấp nhận “mua đắt”

Sòng phẳng mà nói, con số 76 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm mà liên danh VPF-VTV dự tính, rõ ràng là con số “siêu khủng”. Đương nhiên, với đơn vị đang mua bản quyền với giá 30 triệu đồng/trận từ AVG (nếu VTV mua lại toàn bộ 182 trận, con số họ bỏ ra chưa đến 6 tỷ đồng/mùa) mà đột nhiên chấp nhận chi 76 tỷ đồng, rõ ràng là phải có ẩn ý lớn.

Theo ông Nguyễn Thành Lương, VTV có 15 phút quảng cáo giữa các trận bóng đá. Thế cho nên, nếu VPF tạo sự đồng thuận để các ông chủ của các đội bóng quảng cáo trên VTV thì con số không chỉ dừng ở mức 70 tỷ đồng/3 năm. Như vậy, có thể hiểu, nhằm giành lại miếng bánh bản quyền từ AVG, VPF đã chơi chiêu khi đưa ra “cam kết” với VTV để đổi lại việc nhận 76 tỷ đồng là quảng cáo.

Câu hỏi đặt ra: một khi các CLB quảng cáo trên VTV thì VTV chắc chắn sẽ thu tiền quảng cáo, thế thì con số mà VTV thu của các CLB là bao nhiêu? Rõ ràng là con số không nhỏ nếu các CLB “đồng thuận” với VPF trong vụ việc này. Quan trọng hơn, có thể hiểu tiền mà CLB bỏ ra mua quảng cáo cũng chính là tiền bản quyền mà họ nhận được từ VTV. Nói cách khác, VTV lấy “mỡ nó rán nó”.

Theo Sài Gòn Giải phóng
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem