Ai là người vẽ bức chân dung đầu tiên của Từ Hi Thái hậu?
Ai là người vẽ bức chân dung đầu tiên của Từ Hi Thái hậu?
Thứ sáu, ngày 25/11/2022 18:32 PM (GMT+7)
Hậu thế chiêm ngưỡng dung mạo Từ Hi Thái hậu thời nhà Thanh (Trung Quốc) qua những bức tranh chân dung. Nhưng câu chuyện về người họa sĩ vẽ nên những bức tranh đầu tiên ấy thì ít ai biết đến.
11 giờ sáng một ngày mùa hè ấm áp năm 1903, nữ họa sĩ 38 tuổi người Mỹ Katharine Augusta Carl được dẫn vào phòng Vương tọa trong Di Hòa viên, ở ngoại ô phía Tây Bắc Kinh (Trung Quốc).
Từ Hi Thái hậu (67 tuổi) đã chấp quản triều đình nhà Thanh hơn 40 năm, ngồi trên bảo tọa. Trong phòng còn phu nhân kiêm thông dịch viên, công chúa Der Ling, tên tiếng Hoa là Dụ Đức Linh, con gái của quan ngoại giao dưới thời Từ Hi, mẹ là thiếp thất người Pháp.
Bên cạnh Từ Hi là Quang Tự đế, trên danh nghĩa là người cầm quyền thứ 10 của triều đại nhà Thanh, đã giao phó mọi quyền hành cho Thái hậu.
Carl chuẩn bị giá vẽ, trên chiếc bàn đặt màu sơn, cọ, giẻ lau, nhựa thông, dao trộn màu và những công cụ vẽ chân dung khác.
Ngồi ở vị trí thoải mái, hai người phụ nữ nhìn nhau cách một gian phòng nhỏ. Thái hậu gật đầu và nữ họa sĩ vẽ nét đầu tiên trên vải trắng.
Hơn 9 tháng liền, Carl đã hoàn thành một số bức chân dung đầu tiên vẽ Từ Hi. Trong đó có một bức được gửi đi trưng bày tại Triển lãm Thế giới năm 1904 ở St Louis (Missouri, Hoa Kỳ).
Ngày nay bức tranh này được treo trong bảo tàng Smithsonian ở Washington. Nhưng câu chuyện về một họa sĩ người Mỹ được mời đến triều đình nhà Thanh vẽ người phụ nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc lúc bấy giờ thì ít ai biết đến.
Gặp Từ Hi Thái hậu và vẽ bức chân dung đầu tiên
Sarah Pike Conger, vợ của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Edwin H. Conger, nghe tin Katharine Carl đến Thượng Hải thăm anh trai đang làm việc cho Hải quan Hoàng gia Trung Quốc, và biết được bà là họa sĩ chân dung có tiếng.
Pike Conger nghĩ ra ý tưởng thuyết phục Thái hậu để Carl vẽ chân dung. Được biết, Carl là họa sĩ từng theo học hội họa tại trường Học viện Tennessee dành cho nữ. Carl chuyên vẽ chân dung và từng triển lãm ở London, Paris và Chicago.
Carl được thông báo đến trình diện tại Di Hòa viên vào ngày 5/8/1903, bắt đầu vẽ lúc 11 giờ sáng. Cô đồng ý và lên đường đến Bắc Kinh.
Một đội cận vệ triều đình đã chờ sẵn bên ngoài tường thành để hộ tống đoàn người của Carl và Pike Conger đi 25km đến Di Hòa viên.
Tại ngự môn của Di Hòa viên, đại thái giám quyền lực Lý Liên Anh nghênh tiếp. Lý thái giám đã cho người sắp xếp những chiếc kiệu bọc nhung đỏ, mỗi chiếc có 6 người khiêng. Họ đi vào khu vực cung điện, đi qua các đình viện và hoa viên nối tiếp nhau, cuối cùng vào phòng Vương tọa của Thái hậu.
Từ Hi mặc áo bào lụa màu vàng Hoàng gia, được tô điểm bằng họa tiết hoa tử đằng, thêu trân châu và cài nút ngọc bích. Thái hậu đeo thêm chuỗi ngọc trai lớn 18 viên. Cổ choàng lụa vàng và được trang trí thêm nhiều viên ngọc trai.
Mái tóc đen được rẽ ngôi giữa và cuộn bên dưới chiếc mũ đội đầu truyền thống của người Mãn Châu trang trí bằng hoa, trâm cài và tua rua ngọc trai. Vòng tay ngọc, nhẫn, ngón tay đeo móng giả (hộ chỉ) của nhà Thanh. Từ Hi cao chưa đầy 1,5m, ngồi trên đệm, đi giày đế bồn hơn 15cm.
Carl nhảy dựng lên khi tất cả 85 đồng hồ trong phòng Vương tọa đồng loạt kêu lên thông báo 11 giờ. Carl nhớ lại khoảnh khắc cầm chì gỗ lên vẽ:"Tay tôi đang run!".
Lý Liên Anh, công chúa Der Ling và Pike Conger chăm chú theo dõi. Từ Hi nhìn thẳng vào nữ họa sĩ.
Đầu tiên, Carl phác họa hình dáng của Thái hậu và cố gắng chụp lại một số hình ảnh để phục vụ cho việc vẽ chi tiết. Sau vài giờ, Từ Hi bước xuống và tuyên bố một ngày kết thúc.
Thái hậu kiểm tra tác phẩm của Carl và không đưa ra lời nhận xét nào, song bà đã mời nữ họa sĩ đến nghỉ ngơi tại cung điện để làm việc thoải mái. Carl xem đây là một phản hồi tích cực từ vị Thái hậu quyền lực.
Tối hôm đó, Carl, Pike Conger, Der Ling và đại thái giám cùng dùng bữa tối. Sau đó, Pike Conger xin phép trở về trung tâm thành phố. Vì vậy, Carl trở thành người nước ngoài đầu tiên sống trong cung điện Hoàng gia Trung Quốc và khu vực dành cho nữ của Di Hòa viên.
Bà được bố trí ở cạnh phòng Vương tọa. Khuôn viên bao gồm một số gian nhỏ với nền lát đá cẩm thạch, vách ngăn và hành lang chạm khắc gỗ. Có 2 phòng khách, 1 phòng ăn và 1 phòng ngủ, tất cả đều được trang trí bằng nghệ thuật Trung Quốc và thư pháp. Để phù hợp với người Mỹ, người hầu đã chuẩn bị thêm chiếc ghế dài kiểu phương Tây với đệm lụa.
Thức dậy vào lúc 5 giờ sáng hôm sau, Carl phát hiện Thái hậu là người dậy sớm nên đã nhanh chóng ăn sáng và bắt đầu ngày thứ hai làm việc với Từ Hi.
Thông qua phiên dịch viên, Thái hậu hỏi Carl “đã sẵn sàng cho công việc hay chưa” và mời bà một tách trà. Buổi sáng hôm đó chỉ vẽ đúng 1 giờ theo lệnh của Thái hậu.
Từ Hi ăn và ngủ trưa, sau đó cho Carl vẽ thêm 1 giờ nữa. Cuối cùng, bà lại xem xét công việc của Carl và có vẻ khá hài lòng.
Bức chân dung đầu tiên dần được hoàn thành. Carl có nhiều thời gian để khám phá Di Hòa viên và các khu vực xung quanh. Nhiều tuần trôi qua và Carl đã quen được nhịp sống này.
Đôi khi Từ Hi ra lệnh cho các thái giám hát cho họ nghe. Bà mời Carl tham gia cùng trên thuyền Hoàng gia trôi qua những cây cầu mái vòm nối tiếp nhau đến hồ Côn Minh. Cô được mời đi dạo cùng Thái hậu và nhiều con chó cưng hoặc tham gia hoạt động hái táo trong vườn cây ăn quả rộng lớn của cung điện.
Trong những tháng tiếp theo, Từ Hi sẽ di chuyển liên tục giữa việc ngồi cho Carl vẽ và giải quyết công việc triều chính. Carl không thể đi xa, vì Từ Hi có thể đột ngột trở về bất cứ lúc nào.
Khi Từ Hi rời phòng Vương tọa, tất cả các dụng cụ vẽ của Carl được gom lại và cất giữ trong một gian phòng có khóa. Một tấm màn được thiết kế đặc biệt để che đậy và bảo vệ bức tranh chưa hoàn thành. Đại thái giám Lý Liên Anh thông báo đây là “vật thiêng” và không cho phép ai động vào.
Sau khi bức chân dung đầu tiên được hoàn thành, bức thứ hai được bắt đầu thực hiện và tương tự bức thứ nhất, chỉ khác ở chỗ phông nền là tre, Từ Hi cầm chiếc quạt tròn Trung Hoa. Bức thứ ba, Thái hậu mặc chiếc áo bào màu xanh lá cây chủ đạo. Bức chân dung thứ tư là bức đã vượt đại dương đến St Louis.
Mùa hè kết thúc, Từ Hi rời Di Hòa viên và trở vềTử Cấm Thành.
Từ Hi ngồi trên bảo tọa chạm khắc bằng gỗ tếch, phụ kiện vẫn được giữ nguyên, áo bào mùa hè mỏng được đổi thành áo bào mùa đông lót lông. Thái hậu ra lệnh bổ sung một bức bình phong trang trí hình phượng hoàng và một chiếc khăn choàng thêu.
Carl đã phác thảo rồi trình diện Từ Hi và đã được chấp thuận. Bức vẽ này được thể hiện trên khung vải rộng 1,8m và cao 3m.
Song, một vài vấn đề phát sinh. Bên vận chuyển yêu cầu bức chân dung phải được đưa đến St Louis trước tháng 4/1904, cũng là ngày khai mạc triển lãm. Không thể vẽ thử nghiệm, Carl chỉ có thể hoàn thành bức tranh nhanh nhất có thể.
Mùa đông đến, Thái hậu ngồi mẫu ít hơn, trong khi Carl phải mày mò một mình đến khuya.
Mặc dù được đào tạo theo phong cách vẽ chân dung của Pháp, nhưng bức chân dung Từ Hi của Carl vẫn phải tuân theo nhiều quy ước của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ví dụ, không được có bóng hoặc phối cảnh mờ ảo, mọi thứ phải được sơn màu đầy đủ ánh sáng.
Carl chia sẻ bà phải mất thời gian rất lâu để vẽ những con phượng hoàng trên áo bào của Từ Hi và hai bình hoa phải ở khoảng cách chính xác bằng nhau so với bảo tọa.
Hành trình vượt đại dương của bức chân dung và di sản của nữ họa sĩ vẽ Từ Hi Thái hậu
4 giờ chiều ngày 19/4 là hạn chót để hoàn thành bức chân dung. Ngày tháng cận kề, Từ Hi thường xuyên đến thăm gian phòng vẽ của Carl, nhận xét về những chi tiết nhỏ và tô màu. Thỉnh thoảng Từ Hi phát hiện một món đồ trang trí bằng ngọc trai hoặc ngọc bích không được đẹp và Carl sẽ phải sơn màu lại.
Pike Conger và vợ của các nhà ngoại giao cấp cao khác đã đến thăm Carl, họ chiêm ngưỡng tác phẩm và động viên bà.
Nhiệm vụ cuối cùng là đặt bức chân dung đã hoàn thành vào khung gỗ long não được chạm khắc công phu khiến bức chân dung cao gần 4,9m và nặng nửa tấn. Được biết, bức chân dung được chụp bởi chàng trai trẻ tên là Tấn Linh. Anh vừa trở về từ Paris, cha anh là đại sứ Trung Quốc.
Bức chân dung đã hoàn thành và đóng khung, sau đó phải được chuyển đến Mỹ. Nhưng với hình tượng của vị Thái hậu Trung Quốc, bức tranh không thể đóng gói và gửi đi theo cách thông thường.
Bức tranh được vận chuyển từ Bắc Kinh đến Thiên Tân bằng một toa tàu chuyên biệt, đựng trong thùng gỗ được thiết kế với tay cầm bằng đồng trang trí công phu.
Thùng gỗ có khóa được bọc bằng lụa đỏ và vàng có thêu họa tiết đôi rồng. Bức chân dung được vận chuyển từ Thiên Tân đến Thượng Hải bằng thuyền, và từ đó đến San Francisco bằng tàu hơi nước.
4 giờ chiều ngày 19/6, bức chân dung đã được trình diện tại St Louis bởi đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Lương Thành và ủy viên triển lãm của chính phủ Trung Quốc, Hoàng Gia Gia.
Người thưởng tranh dùng rượu sâm panh như lời trân trọng dành cho Từ Hi Thái hậu, nhưng những đánh giá ban đầu lại không tốt như kỳ vọng. Tờ New York Times đã đánh giá cao kích thước của bức chân dung và kiểu tóc cầu kỳ của Từ Hi. Nghệ thuật của Carl đã được ca ngợi, thậm chí còn được khen là "họa sĩ vẽ chân dung hiếm có".
Mặc dù biết Tử Cấm Thành sẽ xem đây là hành vi vi phạm phép tắc, Carl đã kể câu chuyện của chính mình trong cuốn “Với Hoàng Thái hậu của Trung Quốc” (tạm dịch) xuất bản năm 1906. Một bức chân dung khiến Từ Hi vui vẻ, nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp của đôi bên.
Công chúa Der Ling xuất bản cuốn “Hai năm trong Tử Cấm Thành” (tạm dịch) vào năm 1911, cũng là 3 năm sau khi Từ Hi qua đời. Trong đó, bà chia sẻ Thái hậu thường khó chịu vì Carl khăng khăng yêu cầu bà ngồi yên để vẽ chân dung, cố gắng tránh mặt Carl và liên tục mời Der Ling ăn vận xinh đẹp để đi chơi với bà.
Từ Hi đã quyết định bức chân dung sẽ được tặng cho tổng thống Theodore Roosevelt sau khi triển lãm kết thúc. Vì vậy nó đã được đóng gói và gửi đến Washington. Roosevelt sau đó đã tặng lại bức chân dung cho Bảo tàng Nghệ thuật Smithsonian. Năm 1960, viện bảo tàng ở Đài Loan mượn bức chân dung về trưng bày suốt 40 năm, sau đó lại trả về trưng bày ở Smithsonian.
Katharine Carl tiếp tục ở lại Bắc Kinh sau khi hoàn thành các bức chân dung, trở lại Di Hòa viên vào tháng 4/1904, vẽ tranh trong một studio được triều đình xây dựng cho bà và tận hưởng cuộc sống điền viên. Bà tiếp tục vẽ các nhà ngoại giao lỗi lạc cũng như nghiên cứu về vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh mà bà rất yêu quý, Phổ Nghi.
Cuối cùng Carl trở lại Mỹ vào năm 1931, lúc đó bà đã 60 tuổi, tiếp tục vẽ chân dung trong studio trên Phố 57 ở New York. Bà vẫn là họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng và đảm bảo thu nhập ổn định. Bà mất ở New York năm 1938.
Năm đầu tiên ở Di Hòa viên vẽ Từ Hi, Carl đã viết một câu: “Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời tôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.