Ai là ninja cuối cùng của Nhật Bản?

Chủ nhật, ngày 23/09/2012 12:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không mấy người biết về ông, Jinichi Kawakami - một cựu kỹ sư nay đã bước sang tuổi 63, ngỡ rằng con người ấy chỉ bình thường như bao người khác.
Bình luận 0

Người đàn ông luống tuổi này là một Ninja chính hiệu, chuyên sử dụng các loại vũ khí giết người và hành tung “xuất quỷ nhập thần”, đến và đi như một làn gió thoảng.

Là truyền nhân thứ 21 của gia tộc Ban, một nhánh Ninja có lịch sử hình thành từ cách đây khoảng 500 năm, Jinichi Kawakami được xem như là người giám hộ đang sống cuối cùng của mật vụ Nhật Bản.

Ly kỳ con đường trở thành Ninja huyền thoại

img
Bậc thầy Ninja Jinichi Kawakami đang giới thiệu những chiếc Shuriken, một loại binh khí truyền thống của người Nhật, tại bảo tàng Ninja tại Iga.

Trong lần phỏng vấn gần đây nhất với hãng tin AFP, Jinichi Kawakami bông đùa: “Người ta gọi tôi là Ninja cuối cùng chắc cũng có lẽ ngoài tôi ra không còn bất kỳ Ninja nào trên đất Nhật này. Cũng phải thôi vì chúng tôi khác những người học võ nghệ khác, chúng tôi chính thức được chân truyền những tuyệt kỹ chiến đấu từ các bậc thầy Ninja trong suốt 5 thế kỷ qua. Số người thành tựu để trở thành Ninja chính hiệu hiện không còn mấy người”.

Quả đúng vậy, thế giới Ninja luôn hết sức thần bí với người ngoài, hàng ngàn người học võ Ninja song rút cuộc cũng chỉ có vài người thành nghề mà thôi, mức độ đào thải cực kỳ căng thẳng và khốc liệt. Kawakami vừa nói về nghề của mình, vừa chỉ tay giới thiệu những dụng cụ và các kỹ thuật kỳ lạ mà ông và các huynh đệ của mình đã áp dụng trong các hoạt động gián điệp.

Con đường trở thành Ninja của Jinichi Kawakami cũng ly kỳ và bí mật không kém bản chất huyền thoại của thế giới này. Năm 6 tuổi, cậu bé Jinichi chập chững bước chân vào thế giới Ninja. Đó là những ngày tháng lơ ngơ, láo ngáo và trí nhớ của cậu bé Jinichi cũng chỉ ấn tượng trong buổi gặp mặt ban đầu với Masazo Ishida, người thầy của Jinichi mà ông diện kiến khi đó có lối ăn vận như một nhà sư Phật giáo.

Jinichi nhớ lại: “Đại sư Masazo rất nghiêm khắc, sư phụ nhất mực bảo tôi tập những động tác lập đi lập lại một cách nhàm chán, nhưng tôi không dám ho he trái ý người, một thời gian sau đó sư phụ nói rằng tôi đang tập Nhẫn thuật”. Nhẫn thuật, tiếng Nhật là Ninjutsu, nghĩa là nghệ thuật trở thành Ninja.

Jinichi Kawakami nói rằng khác với người học võ nghệ bình thường, các Ninja phải học rất nhiều thứ đến khi tinh thông thì thôi, ông cho biết: “Đại sư dạy cho chúng tôi từ huấn luyện thể chất đến rèn giũa tinh thần sao cho tĩnh tâm nhất đến nỗi có thể nghe thấy tiếng lá rụng ở khoảng cách xa. Chúng tôi được chỉ bày nghiên cứu về các loại hóa chất, thời tiết để đoán định chính xác các hiện tượng tự nhiên để mỗi khi thi hành nhiệm vụ thường là không bị thời tiết làm cản trở, chúng tôi còn học về nghiên cứu tâm lý đối phương để biết họ đang nghĩ gì và sắp tới sẽ làm gì?”

Đại sư nói với chúng tôi: “Nhẫn Thuật là triết lý của nghề Ninja mà nếu luyện tập tinh thông thì nó sẽ giúp con người sống sót ngoạn mục qua những tình huống ngặt nghèo ngỡ như chỉ cầm chắc cái chết hoặc thất bại. Nhẫn thuật giúp cho các Ninja trở thành những người có kỹ năng hành binh xuất thần trong các hoạt động gián điệp và đánh du kích. Việc tập luyện thường rất bài bản và đòi hỏi sự tinh luyện của mỗi một bài tập dù là nhỏ nhất.

Ví dụ, trong bài tập sự tập trung, chúng tôi phải chăm chú nhìn không chớp mắt vào ngọn nến đang cháy leo lét trước mặt và nhìn cho đến khi tôi có cảm giác như mình đang đứng trong ngọn nến. Tôi cũng được huấn luyện về kỹ năng nghe, khi sư phụ thả một nhúm kim xuống nền nhà, trong khi mắt tôi bị bịt kín, và tôi phải tập trung cao độ để “nghe” xem có bao nhiêu cây kim vừa rơi xuống nền nhà”.

Trong thời gian học Ninja, Jinichi học các tuyệt kỹ leo tường rào như thằn lằn, thậm chí có thể nhảy vút qua các bức tường thành cao nhẹ như lông hồng mà người bình thường không sao làm nổi, cũng như học những phương pháp pha trộn các loại hoá chất để gây ra các vụ nổ và tỏa khói nhằm tạo hỏa mù giúp cho Ninja có thời gian ẩn náu hoặc thoát thân.

Jinichi nói: “Chúng tôi phải hoàn thiện các bài tập luyện hết sức cực khổ như phải gồng mình chịu đựng nhiệt độ nóng như thiêu, hoặc đánh trần ngồi thiền nhiều giờ dưới trời đông lạnh giá và tập sao cho cơ thể không còn cảm nhận cái lạnh nữa mới thôi.

Nhưng kinh khủng nhất là những bài tập nhịn đau đớn, xem máu chảy và đứt da đứt thịt là chuyện nhỏ và cả những bài tập nhịn đói cả tuần mà không được ăn gì ngoài uống nước cầm hơi. Mỗi bài tập đều hứng chịu không ít thương đau, hay nặng hơn thì có thể để lại sẹo trên da hoặc tàn tật. Tôi không hiểu sao mình lại dám đánh đổi cả tuổi trẻ và mạng sống để làm như thế.

Có lẽ sức hút của cái bóng Ninja thần bí khiến tôi không sao cưỡng lại được”. Jinichi nói rằng ông là “chú nhóc kỳ lạ” ở vào tuổi thơ của mình tại một thời điểm mà nhiều người Nhật phải vật lộn đấu tranh để vượt qua những khó khăn từ những năm sau chiến tranh. Trước khi bước qua ngưỡng tuổi 19, Jinichi đã được phong chức “sư phụ” và được đại sư Masazo Ishida trao cho những cuộn giấy bí mật cùng những dụng cụ kỳ lạ của Ninja.

Ninja không phù hợp trong đời sống hiện đại

img

Jinichi Kawakami nói nghệ thuật của nghề Ninja nằm ở chỗ hành động trong khi những người xung quanh mất cảnh giác hơn là đối đầu bạo lực, ông giải thích: “Không phải lúc nào chúng ta cũng cảnh giác về mọi thứ xung quanh. Có những khi bạn mất cảnh giác và thế là chúng tôi sẽ hành động trong một cái chớp mắt.

Chính vì vậy, có khi chỉ một Ninja cũng có thể làm tê liệt cùng lúc hàng chục người. Cũng có khi chỉ cần lợi dụng một tình tiết nhỏ nhất để đào tẩu dễ như trở bàn tay. Ví dụ khi rơi vào thế bí trong khi đối phương đông hơn, Ninja có thể ném một cây tăm xỉa răng về một hướng, khi bạn nhìn về hướng đó, Ninja đã chớp lấy thời cơ biến mất trong một sát na”.

“Ngoài ra, Ninja còn có hàng trăm màn ngụy trang tài tình và có khi họ đứng ngay cạnh bạn mà bạn cũng không thể ngờ tới. Có khi họ biến thành bụi cây khi bạn đang ở trong vườn, hay một “vách tường” ẩn vào tường nhà bạn hoặc có khi cải trang thành “pho tượng” tại một nơi nào đó, nói tóm lại Ninja cao thủ có thể hoạt động đa mưu túc trí, khiến cho bạn chẳng còn biết đâu mà lần nữa”.

Jinichi Kawakami gần đây đã bắt đầu một công việc nghiên cứu tại Đại học Mie (Nhật Bản), nơi đây ông dồn tâm nghiên cứu về lịch sử Ninja. Sẽ không có truyền nhân thứ 22 làm người đứng đầu của gia tộc Ban vì Jinichi quyết định không nhận bất kỳ môn đồ nào.

Lý giải cho hành động này, “chiến binh Ninja cuối cùng” chua chát nói: “Với tình thế của xã hội Nhật Bản ngày nay, cá nhân tôi nghĩ rằng Ninja không còn phù hợp nữa. Vậy thì cần gì phải mất công huấn luyện vất vả để rồi những môn sinh thành tựu chỉ có mỗi việc là "ngồi chơi xơi nước" chứ?”.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem