Ai muốn VFF “chưa đoàn kết”?

Thứ sáu, ngày 02/09/2016 17:00 PM (GMT+7)
Cách đây không lâu, sau vụ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ của dàn lãnh đạo VFF liên quan đến HLV Miura, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF đã từng nói: “VFF không hề mất đoàn kết, chỉ là… chưa đoàn kết mà thôi”. Một kết luận đầy chất… kinh điển.
Bình luận 0

Sự bất thường của “bức tâm thư”

Thời điểm xuất hiện bức tâm thư không có gì lạ, bởi đây là khoảng thời gian có tính “bản lề” trước các đại hội thường niên cuối năm, nơi có thể xảy ra những sự thay đổi về mặt nhân sự của VFF. Tuy nhiên, có vẻ như bức tâm thư với chữ ký của mấy chục người lại được chuẩn bị một cách cẩu thả, cứ như thể đó là ý tưởng của ai đó nhằm phục vụ cho động cơ có tính thời điểm. Nói cách khác, nó chưa chắc đã mang một ý nghĩa tốt đẹp như những đề nghị gởi lên ông Bộ trưởng.

Sự cẩu thả nằm ở việc sơ sài trong đánh giá, tổng kết công việc của VFF. Toàn nói chuyện xấu, mà lại toàn chuyện “nghe người ta nói lại” chứ không có những quan điểm mang tính chuyên môn để có những tư vấn đúng tầm cho ông Bộ trưởng vốn là dân ngoại đạo thể thao. Gởi thư đích danh mà nói chuyện đại khái, thế thì tâm huyết ở chỗ nào? Hơn nữa, một khi chỉ nói các góc độ xấu, không hề nhắc đến những việc tích cực, hóa ra VFF 2 năm qua toàn “ăn rồi phá”. Vậy thì đề nghị củng cố nhân sự để làm gì? Tại sao không đề nghị thẳng là “dẹp” VFF luôn cho xong? Không lẽ với 1 tổ chức chỉ toàn màu đen như vậy, đưa 1-2 vị trí mới vào thì làm tốt hơn hay sao? Dù có trọng thị đến mấy, chúng tôi tin Bộ trưởng đọc xong cũng chẳng hiểu “bức tâm thư” muốn cái gì?

img

Sự cẩu thả một cách bất thường nằm ngay trên chính những chữ ký được cho là “của các chuyên gia, cựu cầu thủ… tâm huyết với bóng đá nước nhà”. Đọc nhanh cũng thấy đều là những người tên tuổi thì hạn chế, đóng góp có lẽ cũng không nhiều. Việc không lấy thêm chữ ký của những người từ nhiều nơi khác cũng đủ thấy sự vội vã, cẩu thả của những người thực hiện (Hoặc không đủ uy tín để mời, hoặc cố tình không mời).

Kế đến, về lý thuyết lẫn thực tế, bóng đá khu vực phía Bắc đang ở trong giai đoạn phát triển rực rỡ. Từ số lượng đội đá V.League cho đến hạng nhất, bóng đá nữ và tỷ lệ tuyển thủ quốc gia. Dư dả đến mức còn “tài trợ” cho bóng đá TPHCM một đội V.League mà chưa thấy đòi hỏi quyền lợi gì? Các sân bóng phía Bắc ngập tràn khán giả, có hẳn một giải đá phủi chuyên nghiệp độc nhất vô nhị, 2 trong số 3 lò đào tạo nổi danh hiện nay đều có truyền thống của bóng đá phía Bắc.

Tức là nếu bạn đang là cựu cầu thủ, chuyên gia đang sống ở phía Bắc thì phải thấy VFF làm được nhiều chứ tại sao lại toàn thấy những màu đen? Nghịch lý quá!

Ai đứng đằng sau “ bức tâm thư”

Với các phân tích đã qua, có lẽ nên kết luận cái gọi là “bức tâm thư” đó không mang tính xây dựng gì cả.

Năm 2011, chẳng cần chuẩn bị, không cần 1 tờ giấy, bầu Kiên vẫn thuyết phục dư luận bằng một bài phát biểu mang tính lịch sử. Bài phát biểu đó dù rất nặng nề, phê phán rất mạnh, nhưng rõ ràng là có tính xây dựng và có những hiệu quả tích cực về sau. Dù có nhiều cách đánh giá về ông bầu này cũng như sự chính xác của bài phát biểu nhưng chắc chắn, nó xuất phát từ một người am hiểu bóng đá Việt thực sự.

Ngược lại hoàn toàn là “bức tâm thư” hiện nay. Cũng phê phán, cũng có đề xuất nhưng không có chút tâm huyết và đặc biệt là hoàn toàn không có giá trị về chuyên môn, nghề nghiệp mặc dù nó được ký tên bởi những người “có chuyên môn”. Không khó để thấy, cái đích cuối cùng của “bức tâm thư” đó nhằm thay thế một vài vị trí lãnh đạo ở cấp quản lý (chủ tịch, phó chủ tịch thường trực) và bộ phận điều hành (Tổng thư ký). Chưa hết, “bức tâm thư” tiện thể loại luôn vai trò của Tổng cục TDTT, “chặn đường” sang VFF của những người thuộc biên chế nghành mặc dù chính nội dung lá thư lại đề nghị “tăng tính nghề nghiệp- xã hội” của VFF.

Một lá đơn rất cẩu thả về mặt đóng góp nhưng lại đa mục đích, lắm yêu cầu và xuất hiện đúng thời điểm cho thấy động cơ không thể đúng đắn.

Phải chăng, chúng ta cần phải “sửa” là lời của ông phó chủ tịch VFF ngày nào một chút, rằng “VFF không phải mất đoàn kết mà luôn có những người muốn nó ở tình trạng … chưa đoàn kết”.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: Luôn cần có sự ổn định

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã chia sẻ sau khi biết về lá đơn của các cựu cầu thủ ký tên và gởi tới Bộ VH-TT-DL về câu chuyện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Người đứng đầu ngành thể thao chia sẻ, quan điểm của những người làm thể thao luôn mong muốn trong sạch và có người làm việc có tâm để không gây xáo trộn công tác nhân sự.

Điều ông Thắng chia sẻ rất thẳng thắn rằng: “Vai trò của VFF với bóng đá Việt Nam nói chung quan trọng vì là cơ quan nối dài của ngành thể thao để định hướng, giám sát và thực hiện các chương trình bóng đá hiệu quả nhất trong môn thể thao này. Các liên đoàn, hiệp hội thể thao là tổ chức xã hội nghề nghiệp luôn cầu thị những người có tâm và có đam mê làm việc. Nếu không có những con người ấy, rất khó để một liên đoàn hay hiệp hội môn thể thao phát triển bền vững và mạnh mẽ. Chúng tôi luôn trân trọng những gì mà lãnh đạo VFF đã làm được qua từng nhiệm kỳ”.

Lãnh đạo cao nhất của Tổng cục TDTT nói thêm: “Trong công tác, sự sai sót của VFF không tránh khỏi nhưng ở sự giám sát của mình, Tổng cục TDTT luôn sát sao trong quyền hạn của mình. Tại cuộc giao ban thường kỳ của ngành VH-TT-DL mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu Tổng cục TDTT cùng những đơn vị liên quan chung tay kiên quyết đưa ra các giải chống tiêu cực và bạo lực trong thi đấu bóng đá. Bộ trưởng đề cao xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức trong các hoạt động bóng đá để chuyên nghiệp hơn và xây dựng bóng đá Việt Nam mạnh hơn nữa”.

NGUYỄN ĐÌNH

Hồ Việt (Sài Gòn Giải Phóng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem