Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ rằm tháng Chạp, chồng tôi đã ướm hỏi vợ năm nay dự tính về quê ăn Tết ra sao, sắm sửa quà cáp hai bên những gì. Tôi vẫn ậm ừ mãi không trả lời anh, kiếm cớ công việc cơ quan bận quá, còn chưa tính toán được.
Thực tế, tôi không biết phải nói sao. Tuy đã ngoài 30 tuổi nhưng tôi cũng mới đi làm dâu, vừa cưới chồng sát Tết năm ngoái. Mới qua một cái Tết ở nhà chồng mà đã kêu ca, ra ý lảng tránh thì sợ chồng và cả gia đình bên nội chê trách; nhưng nhớ lại cái Tết đầu tiên, tôi thực sự hoảng hồn.
Năm ngoái, làm hết 28 âm, chúng tôi mới được nghỉ. Ngày 29, tôi cùng chồng lên tàu về quê. Tôi, cô dâu mới, tưởng tượng Tết này sẽ cùng anh đi chào hỏi họ hàng, tiếp đón mọi người tới nhà chơi "xem dâu" nên đã mang theo một va li quần áo, trang sức xinh xắn.
Nghe lời mẹ đẻ dặn dò, tôi mua thêm một số thực phẩm chế biến sẵn ở những địa chỉ uy tín, dự tính góp phần làm bữa cơm Tết ở nhà chồng phong phú hơn, việc nấu nướng cũng giản tiện hơn, để còn có thời gian làm việc khác.
Hồ hởi là thế, nhưng thực tế đập vào mặt tôi hoàn toàn khác. Hai đứa vừa về tới nhà, chào bố mẹ và ngồi chưa ấm chỗ, mẹ chồng đã vẫy vẫy tay bảo tôi cất đồ vào buồng rồi xuống bếp cùng bà.
Hóa ra, mẹ gọi xuống để dặn dò gà nhốt ở đâu, rau tươi nhổ chỗ nào, thịt bò ngăn nào, giò chả gói nào vị nào..., tóm lại là bàn giao cho tôi cái bếp.
Nguyên ngày 29 Tết, cả nhà chồng tôi tập trung luộc bánh chưng và gói các loại giò. Tôi khá mệt vì vừa qua một đợt làm việc cao điểm, đi đường xa, lại quần quật suốt cả ngày... nhưng thấy vui vì sự gắn bó của gia đình, khi thấy cảnh mọi người chia sẻ công việc cùng nhau. Tôi nghĩ đơn giản, thế là xong cơ bản các việc chuẩn bị Tết rồi.
Tôi đâu có dè, lúc đó mới chỉ là xong các phần việc gia đình (cách chồng tôi gọi); còn phần tôi là từ 30 đến hết mùng 3 Tết.
Sáng 30, mẹ chồng tôi dặn làm cơm tất niên. Ngoài gia đình tôi và gia đình chú út ăn cơm Tết cùng ông bà, gia đình hai anh chị ở gần cũng sẽ qua. Mẹ dặn, mâm cơm tất niên là cơm cúng, sau đó hạ lễ thì gia đình sẽ hưởng lộc luôn, do đó phải đầy đủ món, cụ thể là những món gì thì cứ bảo chồng tôi chỉ cho.
Mẹ còn dặn kỹ, tiện thì bảo chồng chỉ luôn các món cúng giao thừa và 3 ngày Tết, đỡ để đầu xuân năm mới lại thiếu thừa, thất thố với các cụ.
Mâm cơm cúng tất niên nhà tôi (gọi là mâm vì chung số món, chứ tôi sẽ phải làm hai mâm, một dành cúng ban thần linh, thổ công thổ địa, một dành cúng gia tiên) gồm các món: Gà luộc, giò lụa, nem rán, rau xào, canh sườn rau củ, canh măng móng, thịt đông, miến nấu, xôi đồ, thịt kho, dưa muối, phồng tôm chiên.
Vì trong Tết không sát sinh nên tiện mổ gà cho bữa tất niên, chồng tôi bảo vợ làm luôn gà đủ cho cả Tết. Thấy anh xách 9 con gà ra cắt tiết, tôi mắt tròn mắt dẹt. Lúc này anh mới bảo: " Nhà mình Tết ngày cúng 3 bữa cơm, mổ 9 con gà là vừa đủ".
Tôi vặt lông, làm lòng 9 con gà, cuốn 5 chục chiếc nem cho một bữa, làm rau củ măng miến các kiểu, gần 12h lên mâm. Chờ cha chồng cúng xong, tôi hâm lại đồ, gia đình ăn bữa tất niên.
14h ngày 30 Tết mới xong bữa, nam giới trong nhà say ngất ngây cả, em dâu phải bế con nhỏ, tôi lại rửa bát đũa, dọn nhà cửa đến gần 16h.
Tôi có bữa tối 30 thư thả khi cả nhà chỉ ăn cơm rau luộc, đậu rán, thịt rang. Sau bữa tối, đồ cúng giao thừa cũng chỉ có gà luộc (tôi đã làm sẵn từ sáng, chỉ cần luộc), xôi gấc đồ.
Nhưng 3 ngày Tết còn lại của tôi là đủ 9 bữa cúng, tính ra gồm 18 mâm cơm. Bữa nào cũng có gà luộc nguyên con/gà chặt, đủ rau, giò, nem, canh, măng miến các kiểu. Mẹ chồng tôi không cho dùng đồ làm sẵn, mâm cúng nào cũng phải làm mới các món, không được giản lược. Mẹ bảo cúng bái phải chỉn chu, thành tâm thì các cụ mới phù hộ độ trì cho.
Mẹ chồng bận tụng kinh, cúng khấn mỗi ngày. Em dâu có con nhỏ. Tôi thành lao động chính. Tôi không dám kêu ca vì chồng bảo, mọi năm mẹ và em dâu cũng làm như thế, Tết nhà vẫn vui.
Tôi mở mắt buổi sáng là đi thẳng xuống bếp, cả ngày gần như trừ lúc ăn thì đều ở dưới bếp, không nhặt rau cuốn nem, luộc gà thì là rửa bát, lau bếp; gần hết ngày lại về buồng ngủ. Quần áo ngủ đóng nguyên Tết, khỏi cần thay đồ đẹp vì không đi đâu, khách đến nhà cũng chẳng thấy mặt dâu mới.
Thế nên ngoài cơm cúng, cứ một lúc tôi lại phải chạy xuống bếp thái khoanh giò, nấu tô miến, bóc cái bánh chưng... Khách có khi không ăn, chỉ ngồi xuống uống chén rượu, đồ thừa dồn vào, đến bữa cơm lại hâm nóng cho cả nhà ăn. Cứ vậy, đến lúc tôi chỉ ngửi mùi đồ ăn cũng đã thấy ngấy.
Tôi nhớ những cái Tết đơn giản ở nhà mình. Bố mẹ tôi sáng mỗi ngày làm mâm cơm cúng rất gọn gàng. Nem được cuốn sẵn một hộp từ trước Tết. Nước xương hầm sẵn, măng đã xào sơ. Bánh chưng để nguyên trên ban thờ cả cặp, không cắt từng bữa.
Ngày Tết, gia đình cúng tổ tiên bữa cơm thành tâm, sau đó cả nhà cùng nhau đi chúc Tết. Đón khách thì cắn chút hạt dưa, ăn vài quả táo xanh, bóc quả cam canh..., vừa nhẹ bụng, vừa thoải mái thân tình.
Nhưng đất lề quê thói, gia phong mỗi nhà đều duy trì cả mấy chục năm. Thấy Tết nhất ở quê nội rườm rà bất cập nhưng tôi chưa dám chia sẻ với chồng. Ở xa cả năm, ngày Tết tôi cũng không thể kiếm cớ không về với bố mẹ chồng. Có điều, nghĩ về cái Tết quần quật hơn osin, đàn ông trên nhà đàn bà dưới bếp, tôi thật sự rất sợ.
Có đêm nằm mơ cảnh mình đeo tạp dề, mọc mấy cái tay cầm dao cầm chảo, xung quanh một đống đồ ăn lưu cữu, bát đũa bẩn thỉu, tôi toát mồ hôi tỉnh dậy.
Là dâu mới, tôi biết làm gì với cái Tết sắp tới bây giờ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.