Ấm no nhờ trúc sào

Thứ năm, ngày 23/04/2015 06:15 AM (GMT+7)
Đã từ lâu, cây trúc sào đã bén rễ vào mảnh đất Nguyên Bình (Cao Bằng). Trúc sào rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương… Đồng thời giá cả và đầu ra tương đối ổn định nên trúc sào thực sự là cây trồng đem lại ấm no, cuộc sống đổi thay cho người nông dân nơi đây.
Bình luận 0

Xóa nghèo nhờ trúc sào

Trên dọc con đường từ Nguyên Bình vào Bảo Lạc, hai bên đường bạt ngàn trúc. Trúc ở thung lũng, trúc leo triền đồi, trúc phủ xanh đồi núi, trúc lấn vào các nương ngô…, xanh mướt một màu xanh no ấm.

Ông Đinh Văn Duyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình cho biết: Trước đây do chưa đánh giá đúng giá trị kinh tế của cây trúc nên bà con vẫn trồng theo lối truyền thống, không tập trung, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật..., nên cây trúc có sức chịu hạn kém, tỷ lệ chết cao, chưa đem lại hiệu quả kinh tế. Với bà con khi đó trồng trúc chỉ là phụ, còn chủ yếu vẫn là trồng lúa, ngô, nuôi con gà, con lợn... Bắt đầu từ năm 1993, nhận thấy cây trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương nên huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc vào trồng mở rộng diện tích.

img

Ngút ngàn màu xanh no ấm.

Thông qua các chương trình 327 (giai đoạn 1994 – 2000), chương trình 5 triệu ha rừng (2000 - 2010), chương trình PAM, dự án trồng trúc sào của tỉnh…, Nguyên Bình tập trung hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào cho bà con. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trúc sào... Được người dân hưởng ứng, nhiều vùng đất trống, những khu đồi bỏ hoang nay đã được phủ màu xanh của trúc sào. Từ năm 2010 đến nay, Nguyên Bình đưa trúc vào chương trình sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp của huyện.

Hiện nay, Nguyên Bình có  hơn 1.600 ha trúc sào được trồng ở 19 xã, thị trấn của huyện (trừ xã Thịnh Vượng), tăng 225 ha so với năm 2012, tập trung nhiều ở các xã: Ca Thành, Thành Công, Phan Thanh, Yên Lạc, Vũ Nông, Triệu Nguyên... Thu nhập bình quân từ trúc sào đạt 60 triệu đồng/ha. Nhiều hộ dân đã có thu nhập, vươn lên thoát nghèo từ trồng trúc như ở xã Vũ Nông có các gia đình: Phùng Sùn Phụng, Phùng Sèng On, xóm Lũng Luông; Lý Kiềm Hin, Lý Kiềm Phúc, xóm Lũng Nọi thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng/năm; xã Thành Công có các gia đình Phạm Văn Bích, xóm Cốc Vường; Du Thị Thanh, Du Văn Sìu, xóm Phja Đén thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm.

Giúp nông dân làm giàu

Thân trúc sào được sử dụng vào rất nhiều việc như: làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm cần câu, làm giấy, sào nhảy cao, đan mành, làm chiếu, đóng bàn ghế rất có giá trị… Giống trúc sào trồng ở Nguyên Bình có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất ưa chuộng. Hiện nay, tại Cao Bằng có 2 xưởng chế biến trúc tre của Công ty TNHH một thành viên 688 và Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng thu mua trúc sào của bà con về làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm như: bàn, ghế, giường, chiếu và một số đồ gia dụng khác được khách hàng trong nước và thế giới ưa chuộng.

Chúng tôi có dịp vào thăm rừng trúc của “Vua trúc Nguyên Bình” Lý Phương Sinh ở xóm Xà Pèng, xã Ca Thành và rất ấn tượng với rừng trúc của gia đình anh. Anh Sinh chia sẻ: Gia đình tôi đã gắn bó với cây trúc sào từ rất lâu. Trước đây chỉ với diện tích hơn 3 ha trúc đã giúp cho gia đình tôi thoát được nghèo và có cuộc sống ổn định. Nhận thấy nguồn lợi cây trúc đem lại nên gia đình tôi quyết tâm mở rộng diện tích. Từ tiền bán trúc tích góp được, gia đình tôi đã mua lại diện tích trúc sào của bà con xung quanh. Đến nay, toàn bộ diện tích trúc của gia đình đã tăng lên hơn 10 ha, tất cả đều đang cho thu hoạch. Hằng năm tôi chặt tỉa khai thác bán hơn 10 xe, bình quân 15 triệu đồng/xe, đem lại thu nhập gần 150 triệu đồng. Ngoài việc trồng và chăm sóc trúc của gia đình, tôi còn đứng ra thu mua trúc của bà con ở xa về bán lại cho các thương lái. Hiện nay, để tiện cho việc vận chuyển trúc, tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng để mở đường nội vùng vào rừng trúc.

Ông Hà Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Ca Thành cho biết thêm: Gương làm giàu từ trúc sào ở Ca Thành như ông Sinh còn khá nhiều. Hiện, 100% xóm của Ca Thành đều trồng trúc sào, nhưng tập trung nhiều ở các xóm: Nặm Kim, Xà Pèng, Khuổi Mỵ, Nà Đoong… Nhiều gia đình có từ 3 – 10 ha trúc như gia đình các anh: Dương Văn Nó, Triệu Dào Nần, xóm Nặm Kim trồng hơn 3 ha trúc, hằng năm thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng; Hoàng Văn Dẩu, xóm Xà Pèng trồng gần 8 ha, hằng năm thu nhập gần 100 triệu đồng... Nhiều gia đình nhờ trồng trúc đã sắm được đầy đủ các thiết bị nghe nhìn, xe máy, xây nhà cửa khang trang.

Khó khăn nhất trong việc mở rộng diện tích trúc hiện nay là hệ thống đường nội vùng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều nơi bà con phải vác trúc đi hàng chục cây số mới đến được điểm tập kết thu mua. Mặt khác, cơ chế hỗ trợ giống trúc chưa phát huy được hiệu quả cao khi nhiều bà con không có đủ quỹ đất đáp ứng điều kiện nhận hỗ trợ… Mong muốn của bà con là tỉnh quan tâm mở đường nội vùng vào các vùng nguyên liệu trúc; tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng diện tích.

(Theo Báo Cao Bằng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem