Nuôi rắn hổ mang, con động vật hoang dã ở vùng núi Tam Đảo Vĩnh Phúc, chồng cầm đầu, vợ nắm đuôi
Con động vật hoang dã dài, to bự này, anh nông dân Vĩnh Phúc nuôi thành công, chồng cầm đầu, vợ nắm đuôi
Phương Loan (Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc)
Thứ tư, ngày 20/11/2024 13:17 PM (GMT+7)
Về tổ dân phố Đông Lộ, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) hỏi anh Nguyễn Văn Ngọc, chị Đặng Thị Xoa ai cũng biết. Vợ chồng anh Ngọc đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang cho thu nhập cao, trở thành điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Trước khi đến với nghề nuôi rắn hổ mang, vợ chồng anh Ngọc đã từng chăn nuôi lợn, bò, gà nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Trong một lần đi chơi cùng người bạn thân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường-thủ phủ của nghề nuôi rắn ở tỉnh Vĩnh Phúc, nhận thấy nghề nuôi rắn ở đây rất phát triển, hiệu quả kinh tế cao và thu nhập bền vững.
Anh Ngọc tự nhủ: “Ở Tam Đảo số hộ nuôi rắn hổ mang thương phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhu cầu về sử dụng đặc sản phục vụ khách du lịch thì khá tiềm năng. Tại sao mình không học nghề nuôi rắn để về phát triển tại quê nhà vừa phục vụ du khách vừa làm giàu cho gia đình!
Khi ý tưởng loé lên trong đầu anh cũng là lúc quyết tâm làm giàu dâng cao trong lòng người nông dân chân chất.
Năm 2008, bàn bạc với vợ việc đi học nghề nuôi rắn hổ mang ở xã Vĩnh Sơn, anh Ngọc nhận được sự đồng thuận cao của chị Xoa – người phụ nữ dân tộc Sán Dìu hiền lành, chịu khó.
Chị đã chắt chiu, gom góp số tiền tiết kiệm của gia đình, chuẩn bị tư trang để anh Ngọc đi học nghề nuôi rắn hổ mang với quyết tâm vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu.
Sau hàng năm trời ăn ở và phụ việc tại các hộ chăn nuôi rắn hổ mang quy mô lớn tại xã Vĩnh Sơn, anh Ngọc đã tích luỹ được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang, từ việc ghép đôi cho rắn giao phối, rắn đẻ trứng, ấp nở trứng rắn, tài đàn, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại đến chuẩn bị thức ăn cho rắn hổ mang theo mùa…
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngọc, chị Đặng Thị Xoa, tổ dân phố Đông Lộ, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nuôi rắn hổ mang và đang chăm sóc đàn rắn hổ mang của gia đình.
Sau khi học nghề nuôi rắn, anh Ngọc về quê vay vốn ngân hàng, nhờ sự hỗ trợ của người thân, gia đình xây chuồng nuôi 100 con rắn hổ mang thường.
Nhờ lĩnh hội được đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm nuôi rắn từ những hộ nuôi rắn lâu năm ở Vĩnh Sơn truyền lại, anh Ngọc không gặp nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của mình.
Lứa rắn hổ mang đầu tiên sinh trưởng và phát triển tốt đã cho gia đình anh thu nhập 20 triệu đồng. Anh tiếp tục đầu tư thêm 250 triệu đồng nữa để xây thêm 2 chuồng nuôi rắn với diện tích gần 200m2, nâng tổng số rắn nuôi lên hơn 300 con.
Để giữ môi trường cho rắn hổ mang phát triển khoẻ mạnh, đồng thời, bảo đảm an toàn trong quá trình nuôi, anh chú trọng xây dựng chuồng thoáng mát, mái che chắc chắn, chia chuồng theo từng lứa tuổi rắn đẻ, rắn giống và rắn thương phẩm, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
Theo anh Ngọc, mỗi năm, rắn hổ mang chỉ ăn trong 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, thời gian còn lại rắn ngủ đông nên việc chăm sóc không quá vất vả.
Thức ăn của rắn hổ mang chủ yếu là cóc, nhái, chuột, gà con…Nuôi gà, lợn phụ thuộc nhiều vào thị trường, khi chưa bán được vẫn phải lo tiền mua thức ăn chăn nuôi, nhưng nuôi rắn độc thuận lợi hơn do 6 tháng rắn ngủ đông nên không lo tốn thức ăn.
Rắn hổ mang lại có thị trường ổn định, ít rủi ro, dịch bệnh hơn nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, trung bình mỗi lứa với khoảng gần 400 con rắn hổ mang, gia đình anh Ngọc thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về nghề nuôi rắn độc và quyết tâm đưa kinh tế gia đình vươn lên, anh Ngọc cho biết: “Đối với tôi, việc học nghề nhanh một phần do quyết tâm muốn đổi đời, một phần do từ nhỏ tôi đã yêu thích, hứng thú tìm hiểu cuộc sống và vẻ đẹp riêng của các loài bò sát, trong đó có rắn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là là sự đồng cam cộng khổ của cả hai vợ chồng. Vợ tôi luôn động viên những lúc tôi khó khăn, vất vả; không quản ngại nắng mưa ròng rã hàng tháng trời đi cùng phụ giúp trong quá trình tôi đi học nghề; chịu khó học hỏi để cùng tôi chăm sóc đàn rắn.
Chính bởi những điều đó nên dù có vất vả trong quá trình học nghề nuôi rắn độc nhưng tôi vẫn rất vui. Mọi mệt mỏi đều tan biến và trở thành động lực để tôi càng cố gắng hơn đưa kinh tế gia đình phát triển, có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy các con học hành đầy đủ như bây giờ”.
Nhờ sự đồng thuận, gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc, chị Đặng Thị Xoa không chỉ trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương mà còn nhiều nhăm đạt danh hiệu gia đình văn hoá, được địa phương tuyên dương, khen thưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.