Ăn chi toàn đồ bẩn!

Thứ hai, ngày 19/12/2011 20:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là câu nói của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi triển khai công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM được tổ chức ngày 17.12 vừa qua.
Bình luận 0

Không bẩn sao được khi trên thị trường 100% mứt các loại ngâm chất tẩy trắng công nghiệp, gần 50% dụng cụ sản xuất bẩn, 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh, nhiều loại thực phẩm có pha trộn hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Một thứ chất độc ghê gớm khác đó là hằng ngày có hàng chục tấn thịt thối được đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Thịt thối sẽ được chế biến thành thức ăn các loại hoặc cung cấp cho các đường dây chuyên tiêu thụ các loại thịt này.

Những nhà thầu bữa ăn công nghiệp trong các nhà máy và các quán cơm bình dân phục vụ cho đối tượng nghèo sẵn sàng thu gom các loại thịt thối vì có giá rẻ nhất. Đây cũng là lý do tại sao ở các nhà máy, khu công nghiệp thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Vì lợi nhuận, những người sản xuất thực phẩm, nước uống làm ra các mặt hàng kém chất lượng. Vì lợi nhuận, các chủ quán ăn dùng hóa chất để xử lý cá ươn, thịt hối, rau thừa. Các loại thực phẩm mất an toàn vệ sinh này được tiêu thụ trên thị trường nhưng khâu kiểm tra, kiểm soát bị bỏ ngỏ.

Các vụ kiểm tra, phát hiện, xử phạt lẻ tẻ chỉ là có cái để báo cáo thành tích, chẳng đáng gì so với một thị trường thực phẩm quá nhiều đồ bẩn. Thị trường “toàn đồ bẩn” như lời Bộ trưởng Tiến nói thì ai mà không bị nhiễm.

Nhiều người dân mình ăn uống như tự bỏ độc vào mồm nên bệnh tật ngày càng nhiều. Mỗi ngày ăn một ít thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh, tích một ít chất độc trong cơ thể, nhiều bữa như vậy sẽ đủ chất độc để quật ngã một người mạnh khỏe. Bệnh nhân nằm đầy bệnh viện ung bướu cũng như nhiều bệnh khác có nguyên nhân từ ăn uống - đủ để chứng minh hậu quả của một xã hội không kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm với quá tải bệnh viện tưởng chừng như không có gì liên quan đến nhau nhưng thực ra có mối liên quan rất mật thiết. Chính vì ăn uống bừa bãi, mọi thứ đều bẩn nên người VN mới bệnh tật nhiều.

Ngành y tế đưa ra các biện pháp để giảm tình trạng quá tải bệnh viện như xây dựng thêm cơ sở y tế, tăng cường bác sĩ giỏi về tuyến dưới, đào tạo thêm đội ngũ y tế bác sĩ đủ chỉ tiêu trên đầu dân, nhưng có một cách mà bà bộ trưởng nên lưu ý đó là thực hiện hiệu quả việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Không làm tốt điều này thì không đủ bệnh viện để chứa bệnh nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem