Ấn Độ đã trở thành cơn ác mộng của Alexander Đại đế như thế nào?

PV Thứ năm, ngày 27/07/2023 23:00 PM (GMT+7)
Sau hàng loạt những chiến thắng khó khăn cùng những cuộc thảm sát, hàng vạn binh lính, dân phu bỏ lại cuộc đời mình nơi “tận cùng thế giới” trên bãi chiến trường và những thuộc địa mới, bờ Tây sông Ấn chưa bao giờ thực sự thuộc về Alexander.
Bình luận 0

Cuộc viễn chinh Ấn Độ của Alexander Đại đế thường được miêu tả như đỉnh cao của khát vọng chinh phục: đội quân của Alexander không một lần bại trận, dù đối mặt với các chiến binh Ấn Độ dũng mãnh và đông đảo hơn nhiều, bất chấp rừng thiêng nước độc và cả những quái thú, đánh đến tận cùng của thế giới, tới khi không còn gì để chinh phục và chỉ quay về khi đã chán ngấy với vinh quang. Nhưng thực tế thì cũng chẳng vinh quang tới mức đấy.

Ấn Độ đã trở thành cơn ác mộng của Alexander Đại đế như thế nào?  - Ảnh 1.

Ngay sau chiến thắng tại sông Hydaspes, đội quân của Alexander nổi loạn và đòi nhà vua dừng cuộc viễn chinh. Dù chiến thắng nhưng lúc này họ đã nhận ra các đội quân Ấn Độ không hề dễ xơi chút nào. Cũng trong khoảng thời gian đó, quân Macedonia chứng kiến một đợt nguyệt thực – một điềm xấu. Mùa hè đang tới, nước sông dâng lên ngày càng nhanh và các trận mưa lũ cũng bắt đầu. Và như Plutarch viết: “… [quân địch] đang chờ đón họ, với 20 vạn bộ binh, 8 vạn kỵ binh, 6 ngàn chiến xa, và 8 ngàn voi chiến”.

Trong khi quân của Alexander chưa đầy 5 vạn.

Đoàn quân bắt đầu chuyến hành quân trở lại khi mùa mưa kết thúc. Thay vì đi ngược lại con đường cũ, Alexander chọn đi xuống phía Nam. Trên đường đi, đội quân Alexander khuất phục nhiều vương quốc và bộ lạc khác của người Ấn Độ. Nhưng bản thân Alexander cũng suýt nữa bỏ mạng tại đây.

Trong một trận công thành với người Malii, Alexander mất kiên nhẫn và tự động trèo lên thang. Quân lính hoảng hốt, trèo lên theo để bảo vệ nhà vua, và cái thang gãy dưới sức nặng của quá nhiều người. Lúc này Alexander đã trèo lên mặt thành cùng hai cận vệ. Quân Malii phát hiện ra điều này, và chẳng bao lâu sau, một mũi tên xuyên thẳng vào phổi của Alexander. Vị vua trẻ gục ngã.

Quân Macedonia trở nên điên cuồng, và ngay sau khi chiếm được thành, họ tàn sát toàn bộ cư dân bên trong, không chừa một ai.

Alexander được đem về doanh trại. Các bác sĩ của ông thậm chí còn không dám phẫu thuật vì sợ giết chết nhà vua, nhưng cuối cùng, ông được cứu sống bởi Perdiccas – một vị tướng dưới quyền.

Đội quân hoảng loạn của Alexander thậm chí còn không tin nổi đức vua đã được cứu sống. Alexander được đặt lên thuyền và xuôi theo dòng sông để binh sĩ có thể nhìn thấy ông; những người lính thở phào nhẹ nhõm. Nhưng dù vậy, họ cũng chẳng dám chèo thuyền, vì sợ tiếng mái chèo làm ảnh hưởng tới nhà vua; trong suốt những ngày còn lại của Alexander, vết thương phổi đó không bao giờ lành hẳn.

Nhờ vào sự kiêu ngạo của vị vua trẻ cũng như những tính toán sai lầm, thêm nhiều binh sĩ và dân phu tiếp tục bỏ mạng trong chuyến hành quân qua sa mạc Gedrosia.

Sau hàng loạt những chiến thắng khó khăn cùng những cuộc thảm sát, hàng vạn binh lính, dân phu bỏ lại cuộc đời mình nơi “tận cùng thế giới” trên bãi chiến trường và những thuộc địa mới, bờ Tây sông Ấn chưa bao giờ thực sự thuộc về Alexander. Các cuộc nổi dậy diễn ra liên miên, và cuối cùng triều đình Seleukos sẽ phải trả lại vùng đất này về với người Ấn Độ.

Ba năm sau chiến thắng Hydaspes, Alexander III, quốc vương của người Hy Lạp, của xứ Á Đông và xứ Ai Cập, sau một cuộc rượu chè trác táng, bắt đầu đổ bệnh; và chỉ hai tuần sau, Alexander trút hơi thở cuối cùng. Kẻ chinh phạt và tên bợm rượu vĩ đại bậc nhất qua đời ở tuổi 33.

“Một chiếc quan tài giờ đây thỏa mãn một kẻ mà trước kia, cả thế giới cũng không đủ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem