Truyền thông Ấn Độ gần đây đưa tin, New Delhi đang tích cực chuẩn bị thực hiện các dự án hợp tác chung với Nhật Bản và Mỹ để phòng thủ không gian ven biển, bao gồm việc lắp đặt một loạt các cảm biến giám sát âm thanh (SOSUS) ở các vùng biển gần của nước này.
Prasun Sengupta, một tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Ấn Độ gần đây đưa tin, New Delhi dường như đang cân nhắc chấp nhận sự hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng một “bức tường chắn dưới đáy biển” dựa trên các cảm biến giám sát âm thanh.
"Bức tường” sẽ trải dài từ mũi Sumatra tới Indira Point ở vịnh Bengal nhằm ngăn chặn các tàu ngầm Trung Quốc có ý định tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Ấn Độ được cho là đang rục rịch xây dựng "bức tường chắn dưới đáy biển" để ngăn chặn các tàu ngầm Trung Quốc.
Theo Prasun Sengupta, bên cạnh việc cung cấp tài chính giúp Ấn Độ nâng cấp các căn cứ không quân và hải quân cũng như xây dựng các trạm tình báo điện tử mới dọc chuỗi đảo Andaman và Nicobar, Tokyo còn có kế hoạch tài trợ tiền để New Delhi xây dựng hệ thống đường cáp quang dưới đáy biển từ Chennai tới Port Blair.
Sau khi hoàn thành, hệ thống trên có thể kết nối với mạng lưới sonar trinh sát chống ngầm "Lưỡi câu – Fish Hook" SOSUS của Mỹ và Nhật Bản. Mạng lưới này được Hải quân Mỹ và Nhật Bản vận hành để theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Kể từ đầu những năm 2000, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đã bắt đầu thiết lập một chuỗi các mạng lưới cố định để theo dõi hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo đó, “Phòng tuyến phòng vệ dưới nước Lưỡi câu” được hình thành vào đầu năm 2005, trải dài từ Nhật Bản đến khu vực Đông Nam Á với các nút trọng điểm ở Okinawa, Guam, và Đài Loan.
New Delhi đã quyết định đẩy mạnh các kế hoạch tăng cường phòng thủ ở các vùng biển gần nhằm củng cố vai trò của họ ở Ấn Độ Dương.
Mặc dù chính phủ Ấn Độ chưa chính thức xác nhận các thông tin trên, tuy nhiên, giới phân tích bình luận, các kế hoạch chống truy cập khu vực A2/AD của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á có thể trở thành động lực để Ấn Độ củng cố ảnh hưởng ở vịnh Bengal.
Ngoài ra, trước đó, trong một bài báo hồi tháng trước, Lyle Goldstein, một chuyên gia Trung Quốc nổi tiếng tuyên bố Bắc Kinh đang trong quá trình xây dựng “Bức tường lớn” dưới đáy biển Đông bằng cách lắp đặt các cảm biến âm thanh để nhận diện và phát hiện tàu ngầm Mỹ. Chiến lược trên của Trung Quốc được cho là cũng có thể thúc đẩy Ấn Độ theo đuổi một dự án tương tự ở vùng duyên hải Nam Á.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.