Trang mạng The Diplomat cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gần đây đã có phát ngôn về các hành động của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng Biển Đông, nói rằng Trung Quốc đang "dựng một bức tường lớn của sự tự cô lập" ở đó.
Không có gì là ngạc nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gần như ngay lập tức đã bác bỏ ý kiến của ông Carter bằng cách tố ngược rằng, tuyên bố như vậy là phản ánh tâm lý của một cuộc “chiến tranh lạnh”. Có hay không việc Bộ trưởng Ashton Carter và chính quyền Mỹ giữ tâm lý một “chiến tranh lạnh”?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Điều này đã gây ra những luồng ý kiến trái ngược nhau. Nhiều ý kiến nói rằng ông Carter đã đúng khi cho rằng, trước sự lo ngại của một số đồng minh của Mỹ và các nước đối tác trong khu vực về hành động của Trung Quốc, Mỹ cần phải có sự phân biệt giữa lời nói và hành động. Những khuyến cáo khác cũng nêu rõ, có sự nguy hiểm tiềm tàng ở đây, Mỹ có thể bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Trên thực tế, không có nước nào trong khu vực châu Á Thái Bình Dương muốn cô lập Trung Quốc. Ngay cả đối với Nhật Bản, đối thủ tiềm tàng nhất của Trung Quốc thì mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc cũng ràng buộc khiến Tokyo không thể cô lập hoàn toàn với Bắc Kinh. Nếu điều đó xảy ra sẽ làm tổn thương lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Theo một cuộc thăm dò của Pew Research vào năm 2015, hình ảnh của Trung Quốc trong số các nước láng giềng châu Á khá tích cực, đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản. Ngay cả ở Philippines, 54% những người được hỏi cho rằng quan hệ với Trung Quốc là thuận lợi.
Điều này có thể giải thích vì sao Tổng thống mới đắc cử của Philippines, Rodrigo Duterte, muốn cải thiện quan hệ Trung Quốc-Philippines. Vậy, câu hỏi đặt ra, có phải Trung Quốc muốn tự cô lập? Tác giả Dingding Chen cho rằng, điều đó sẽ là không thể trong thời đại toàn cầu hóa.
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất của toàn cầu hóa. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động của nó trên toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức đối với Mỹ và các đồng minh ở châu Á. Cả hai bên cần phải duy trì sự bình tĩnh khi xem những thách thức của nhau, hiểu rằng sự hợp tác thực sự là tốt hơn so với xung đột.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.