An Giang kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu

Hồng Cẩm Thứ sáu, ngày 12/05/2023 17:11 PM (GMT+7)
Chiều 12/5, đoàn công tác Chính phủ do ông Lê Minh Hoan - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh An Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Bình luận 0

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước; các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh đảm bảo...

An Giang kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu - Ảnh 1.

Đoàn công tác Chính phủ làm việc với tỉnh An Giang, chiều 12/5. Ảnh: Hồng Cẩm

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,95% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước 4,98%. Tình hình đầu tư xây dựng, ước giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023) đến hết tháng 6 đạt 40,01% kế hoạch đã giao, cao hơn 20,06% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu năm đến nay tỉnh đã xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 3 dự án, với tổng vốn đăng ký là 958,8 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 40 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 305,9 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 176 triệu USD (chiếm 57,53% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Tình hình xuất nhập khẩu có tăng trưởng so với cùng kỳ về sản lượng và kim ngạch, ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đạt 681 triệu USD...

An Giang kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT làm trưởng đoàn công tác Chính phủ làm việc với tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Bên cạnh kết quả đạt được, An Giang còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 đến hết tháng 4 đạt thấp so với yêu cầu; thủ tục pháp lý liên quan đất đai, nhất là các dự án thuộc loại hình kinh doanh bất động sản gặp vướng mắc; về quản lý đầu tư xây dựng đăng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư đối với báo cáo kinh tế kỹ thuật; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Trước tình hình đó, tỉnh An Giang đề xuất, kiến nghị phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Tổng Cục thống kê.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, Ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp với tỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu của tỉnh.

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các thành viên đoàn công tác ghi nhận và xem xét hỗ trợ giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ giải quyết những kiến nghị, đề xuất của tỉnh mà các sở, ban ngành.

An Giang kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu - Ảnh 3.

Thay mặt UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị đoàn công tác ghi nhận và xem xét hỗ trợ tỉnh nhiều vấn đề, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Ảnh: Hồng Cẩm

Ngoài ra, để hỗ trợ tỉnh An Giang phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Trung ương ban hành cơ chế đặc thù phát triển khu kinh tế cửa khẩu; đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, và nhà ở đồng bộ với pháp luật về đất đai để các địa phương thực hiện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, chồng chéo hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Bình cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT và các thành viên đoàn công tác báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội, như: Đầu tư xây dựng cầu Tôn Đức Thắng, cầu Tân Châu - Hồng Ngự (Đồng Tháp), cầu Vàm Nao, tuyến đường Tỉnh 941.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao đề xuất của An Giang trong xây dựng trung tâm liên kết vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững của vùng. Đồng thời đề nghị đoàn công tác thấu hiểu hơn những khó khăn của địa phương và các doanh nghiệp trong tình hình khó khăn chung.

An Giang kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu - Ảnh 4.

Trưởng đoàn công tác Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Cẩm

Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, An Giang từng "xé rào", tạo ra đột phá từ tư duy kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, được Trung ương nhân rộng. Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, An Giang phát huy tốt lợi thế nông nghiệp, đạt tăng trưởng ổn định.

Trân trọng những sáng kiến, đóng góp, kiến nghị của tỉnh An Giang và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, ông Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh, doanh nghiệp có những thuyết minh, đề xuất, tổ chức hội thảo với các địa phương khác để xây dựng chính sách "từ dưới lên", nhằm đưa chính sách nhanh chóng đi vào thực tế cuộc sống; tăng trách nhiệm của địa phương trong tham mưu chính sách.

Đối với những kiến nghị của An Giang về các công trình giao thông trọng điểm, đoàn công tác Chính phủ ghi nhận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem