Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 27/04/2023 19:49 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt" do Báo Người Lao động tổ chức tại TP.Cần Thơ vào chiều nay, 27/4.
Bình luận 0

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm. Trong đó, nhiều mặt hàng đang đứng nhóm đầu trên thị trường thế giới như: gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt". Ảnh: Huỳnh Xây

Tuy nhiên, đặc thù các sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thu về chưa tương xứng tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là chuỗi liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước chưa chặt chẽ dẫn đến thông tin thị trường chưa rõ ràng, định hướng sản xuất chưa phù hợp nhu cầu, hạn chế về chế biến sâu để gia tăng giá trị đầu ra.

Bởi theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ… Do vậy, các chủ thể trong chuỗi liên kết nông, thủy sản nên nghĩ ngược lại và làm khác đi. "Đường cũ đi hoài giờ phải tìm đường mới mà đi" - ông Hoan nói.

Cụ thể, các doanh nghiệp ở ĐBSCL nên chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài. Hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thủy sản thật sự phải trở thành 1 hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương.

Đối với ngành chức năng địa phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải thực hiện tổ chức lại sản xuất cho ngành hàng và nông dân.

"Nếu tỉnh Sóc Trăng mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhưng thực tế, doanh nghiệp sẽ không về nếu tỉnh không trả lời được câu hỏi mua nguyên liệu ở đâu? Nông dân có giữ chữ tín không? Và tỉnh có cam kết nông dân đảm bảo sản xuất theo hợp đồng bao tiêu. Nếu không trả lời được các câu hỏi này thì cần phải tổ chức lại sản xuất, ngành hàng và nông dân" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Còn nông dân phải hợp tác, tham gia hợp tác xã tổ chức sản xuất lớn để giảm chi phí, tăng lợi nhuận khi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo GS Võ Tòng Xuân, câu chuyện được mùa rớt giá của nông sản, thậm chí câu chuyện giải cứu nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Hai năm trở lại đây, hàng nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài tương đối dễ dàng hơn nên bà con nông dân và doanh nghiệp chế biến cũng có tiến bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ - Ảnh 2.

GS Võ Tòng Xuân. Ảnh: Huỳnh Xây

Nhìn chung, vấn đề lớn của hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam hiện nay là làm thế nào hàng Việt Nam có thể sống được với hàng nước ngoài ngay trên đất của mình và cạnh tranh được với các nước xung quanh, nhất là Thái Lan.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân để sản xuất hữu cơ, phát triển nhãn hiệu và thương hiệu, mọi người trong chuỗi sản xuất thương hiệu đó phải cùng nhau chăm sóc, giữ vững thương hiệu đó, lúc nào sản phẩm cũng ngon.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, ngoài ra cần làm tốt hoạt động marketing, để khách hàng khi cần có thể dễ dàng biết được ở nước ta, chỗ nào có gì, cần gì và xuất đi đâu.

Cũng tại hội thảo, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên, thổ nhưỡng. Dự báo thế giới sắp 8 tỉ người, năm sau thế giới dự báo thiếu lương thực – là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem